Trang

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

André Rieu - Mein Weihnachtstraum 6 - Little drummer boy

Der kleine Trommelmann - Little drummer boy - Panflöte/Keyboard

Sưu tầm một số bài viết về học vị tiến sĩ.

Tiến sĩ là gì
(trích từ nguyenvantuan.net)
Tại sao “tiến sĩ” (PhD)?
Tuy có danh chính thức là triết học (“Doctor of Philosophy” hay PhD) nhưng tiến sĩ không hẳn là người học về triết.  PhD là một học vị cho tất cả các ngành khoa học, kể cả khoa học cơ bản và nhân văn.   Điều “trớ trêu” này có một lịch sử của nó. Hệ thống bằng cấp đại học ngày nay được bắt nguồn và mô phỏng từ hệ thống văn bằng của hai trường đại học cổ kính ở Âu châu vào thế kỷ 12: Trường Đại học Paris ở Pháp (thành lập vào năm 1170) và Trường Đại học Bologna ở Ý (thành lập vào khoảng 1158).  Theo bộ luật La Mã, vào thời Trung cổ, mỗi ngành nghề có quyền thành lập một hiệp hội gọi là Collegium, và hiệp hội này bầu ra những người có danh hiệu là Magistrates (mà tôi tạm dịch là "Thầy").  Vào thời này, người được nhận vào phụ giảng được gọi là Bachalari.  Vào cuối thế kỉ 12, Đại học Paris thay đổi học vị này thành Baccalaureaet.  Lúc bấy giờ, văn bằng Baccalauréate hay Bachelor là học vị duy nhất được cấp cho những thí sinh đã (i) thi đỗ khóa thi do các các "Thầy" đặt ra; và (ii) đã học xong một chương trình giáo khoa 4 năm về ngữ pháp, tu từ học và logic.  Sau khi xong văn bằng Bachelor, thí sinh có thể theo học tiếp chương trình MasterDoctor.  Và sau khi đã xong chương trình học Master hay Doctor (khoảng 8 năm học), một hội đồng giám khảo sẽ duyệt xét thí sinh để kết nạp vào tổ chức được gọi là Universitas of Doctors.  Sự kếp nạp này cũng là một "chứng chỉ" được hành nghề dạy đại học.  Lúc bấy giờ, những danh xưng như MasterDoctor vàProfessor có cùng nghĩa và tương đương về giai cấp: họ hành nghề dạy học.  Vào thế kỉ 13, những người dạy học tại Đại học Bologna, lúc đó là trung tâm huấn luyện về luật pháp bên Âu châu, được gọi là Doctor.  Trong khi đó ở Đại học Paris, là trung tâm về văn học nghệ thuật, những người dạy học được gọi là Master.
Sự bình đẳng giữa Master và Doctor bị chấm dứt ở Anh và Mĩ, nơi mà văn bằng Doctor sau này được đánh giá cao hơn văn bằng Master.  Ở Anh, hai trường Đại học Oxford (thành lập vào khoảng 1249) và Cambridge (thành lập vào khoảng 1209) được mô phỏng theo hệ thống tổ chức của Đại học Paris; do đó, các nhà khoa bảng các môn văn hóa nghệ thuật thường được gọi là "Master", trong khi các đồng nghiệp của họ trong các môn học như triết, thần học, y học, và luật được gọi là "Doctor".  Ngày nay, các tên bằng cấp như "Master of Arts" và "Doctor of Philosophy" có nguồn gốc từ sự phân chia này.
Tiến sĩ là gì?
Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học phương Tây.  Theo mô hình của hệ thống đại học theo phương Tây, có 3 cấp học chính: cử nhân, thạc sĩ (masters), và tiến sĩ.  Vế mặc con số, sự phân bố ba loại bằng cấp đó giống như hình tháp, với tiến sĩ ở vị trí chót vót, cử nhân ở vị trí thấp nhất, và thạc sĩ ở chính giữa.  Chẳng hạn như ở Thái Lan, trong niên học 2007, có 1.77 triệu sinh viên bậc cử nhân, 182 ngàn sinh viên thạc sĩ, và chỉ có 16246 nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ.  Nói cách khác, chỉ 0.8% sinh viên đại học theo học tiến sĩ.
Có nhiều lí do tại sao số người theo học tiến sĩ quá ít.  Lí do đơn giản nhất là người ta không có nhu cầu học tiến sĩ.  Cũng có người sau 4 năm theo học cử nhân đã cảm thấy mệt mỏi, và chỉ mong tốt nghiệp để kiếm thu nhập bù lại những năm tháng theo học.  Có người không đủ trình độ hoặc không đáp ứng điều kiện theo học.  Ở những đại học và trung tâm đào tạo nghiêm chỉnh, chỉ có khoảng 1-2% ứng viên xin học tiến sĩ được nhận học (sau khi qua một đợt phỏng vấn).  Điều này cũng không khó hiểu, bởi vì chương trình tiến sĩ là nhằm đào tạo một “lực lượng” khoa học elite cho các trường đại học, một lực lượng khoa học then chốt cho các trung tâm nghiên cứu khoa học và kĩ nghệ.  Có thể nói không ngoa rằng những người tham gia vào chương trình đào tạo tiến sĩ trong ý tưởng là đào tạo một đội ngũ tinh hoa của xã hội.  Đó cũng chính là lí do tại sao người ta đánh giá nền khoa học và trình độ tiên tiến của một quốc gia bằng cách dựa vào số người có học vị tiến sĩ trong dân số.  Ở những nước có nền kinh tế phát triển cao như Mĩ, số người có bằng tiến sĩ khoảng 0.7% dân số.
Tiêu chuẩn cho tiến sĩ
Để có được văn bằng tiến sĩ, ứng viên phải đạt hai điều kiện.  Thứ nhất, ứng viên phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học.  Thứ hai, ứng viên phải mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó. Để làm chủ đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải tìm đọc và cố gắng hiểu tất cả những gì đã viết hay công bố về đề tài đó.  Không phải như bậc cử nhân, kiến thức thường có thể tìm thấy trong sách giáo khoa , đối với bậc tiến sĩ kiến thức thường được tìm trong các tập san khoa học.  Để mở rộng kiến thức về một đề tài, nghiên cứu sinh phải làm nghiên cứu khoa học theo sự hướng dẫn của thầy cô.  Chính phần nghiên cứu khoa học này phân biệt giữa tiến sĩ và các chương trình cử nhân hay thạc sĩ.  Học tiến sĩ thực chất là làm nghiên cứu khoa học.  Không có nghiên cứu khoa học thì không thể là tiến sĩ được.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng đề án nghiên cứu cấp tiến sĩ không nhất thiết phải mang tính ứng dụng thực tiễn (như nhiều người ngộ nhận), mà phải thể hiện một đóng góp mới vào tri thức cho chuyên ngành. “Tri thức mới” ở đây bao gồm việc phát hiện mới, khám phá mới, hay cách diễn giải mới cho một vấn đề cũ, hay ứng dụng một phương pháp mới để giải quyết một vấn đề cũ, v.v… Những tri thức như thế có thể không có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển một mức cao hơn. Xin nhớ rằng khám phá insulin phải đợi đến gần 50 năm sau mới ứng dụng trong lâm sàng.
Học tiến sĩ không chỉ là hoàn tất luận án.  Có rất nhiều người tưởng rằng học tiến sĩ chủ yếu là hoàn tất một luận án, nhưng thực tế thì không phải như thế vì luận án chỉ là một phần của chương trình đào tạo.  Luận án là một báo cáo có hệ thống những phương pháp và kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Do đó, luận án chỉ là một tiêu chuẩn (có thể quan trọng) trong các tiêu chuẩn để được cấp bằng tiến sĩ. Ngoài luận án ra, nghiên cứu sinh phải đáp ứng 6 tiêu chuẩn như sau :
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình có những kiến thức cơ bản về khoa học, và những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu mà thí sinh theo đuổi;
  • Nghiên cứu sinh phải am hiểu các tài liệu nghiên cứu cần thiết về lĩnh vực chuyên môn mình theo đuổi, và phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ kĩ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình;
  • Nghiên cứu sinh phải làm chủ được phương pháp nghiên cứu khoa học hay phương pháp thí nghiệm cơ bản;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ đã đạt được những kĩ năng về truyền đạt thông tin, kể cả trình bày kết quả nghiên cứu trong các diễn đàn khoa học quốc gia và quốc tế, khả năng viết báo cáo khoa học;
  • Nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình đã nắm vững kĩ năng thiết kế một công trình nghiên cứu và độc lập trong nghiên cứu.
Một luận án khi hoàn tất mà chỉ để trên giá sách của thư viện trường cũng chỉ là một mớ tài liệu ít người biết đến. Vì ít người biết đến và nằm trong thư viện, nên chẳng có bao nhiêu người biết được luận án đó có cái gì mới hay xứng đáng với cấp tiến sĩ hay không. Do đó, nghiên cứu sinh cần phải công bố vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Công bố quốc tế là một hình thức “thử lửa” tốt nhất cho nghiên cứu sinh, bởi vì qua đó mà đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh.
Thật ra, công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ ở các đại học bên Âu châu, Mĩ châu, và Úc, những nơi mà họ khuyến khích (có nơi gần như bắt buộc) nghiên cứu sinh phải công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án tiến sĩ. Ở một số nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ thực chất là tập hợp một số bài báo khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngày nay, các đại học lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, v.v… cũng có qui định tương tự.

Một trong những câu hỏi mà nghiên cứu sinh khi mới bước vào học tiến sĩ là cần phải có bao nhiêu bài báo khoa học để có thể bảo vệ luận án tiến sĩ? Câu hỏi này khó trả lời, bởi vì nó còn tùy thuộc vào qui định của trường đại học, của phân khoa, và những qui định này rất khác nhau giữa các trường ngay cả trong cùng một nước. Chẳng hạn như trong các khoa xã hội và kinh tế học, yêu cầu bài báo khoa học không được đặt nặng bằng các khoa khoa học tự nhiên và thực nghiệm. Ở Mĩ người ta không có những qui định “cứng” phải có bao nhiêu bài báo khoa học để viết luận án tiến sĩ, vì nghiên cứu sinh phải học “coursework” một thời gian trước khi bắt tay vào nghiên cứu, còn ở Anh và Úc thì tiến sĩ hoàn toàn làm nghiên cứu chứ không có coursework, nhưng cũng không có qui định trên giấy trắng mực đen bao nhiêu bài báo. Tuy nhiên, có qui ước ngầm theo kiểu "unspoken rule" là một luận án tiến sĩ cần phải có ít nhất là 2 bài báo khoa học, tốt hơn là ít nhất 3 bài báo khoa học, cộng với các bài khác chưa công bố.

Trong một phân tích mới công bố trên Scientometrics, tác giả Hagen phân tích cho thấy tính trung bình, một luận án tiến sĩ ở Viện Karolinska có 4 bài báo khoa học, và con số bài báo dao động từ 3 đến trên 6 bài. Theo phân tích (xem biểu đồ dưới đây), gần 80% luận án có 4 bài báo khoa học; 12% có 5 bài; 5% có trên 5 bài; một phần nhỏ (4%) có 3 bài.
Học vị tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học.  Ở các nước phương Tây, xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”.  Để xứng đáng với danh xưng đó, xã hội đòi hỏi người có học vị phải đạt hai điều kiện chung: phải chứng tỏ rằng mình đã quán triệt và làm chủ được lĩnh vực nghiên cứu; và thứ hai là phải phát triển hay cống hiến được một cái gì mới cho kho tàng của tri thức nhân loại.  Cái cốt lõi của học vị tiến sĩ (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác) có thể tóm lược bằng hai chữ: nghiên cứu.  Để phát triển hay mở rộng tri thức, thí sinh phải khảo sát, điều tra, và suy ngẫm, chứ không đơn thuần là một kĩ thuật viên về một lĩnh vực chuyên môn nào đó.
Học tiến sĩ để làm gì ?
Mặc dù những cảnh báo trên là hoàn toàn sự thật và có thể xảy ra cho thí sinh, nhưng tôi phải công bằng mà nói rằng cũng có một vài “an ủi” cho thí sinh nào cảm thấy mình có đủ khả năng và đức tính để theo học tiến sĩ.
Thứ nhất, thí sinh có thể tự hào rằng mình đã hoàn tất chương trình học, hoàn tất nghiên cứu, và được trao văn bằng tiến sĩ.  Nếu thí sinh có khả năng và đam mê, sự nghiệp nghiên cứu khoa học có thể đem lại cho thí sinh nhiều phần thưởng vật chất và tinh thần có giá mà các ngành nghề khác không có được.
Thứ hai, trong khi theo học tiến sĩ hay sau khi tốt nghiệp, thí sinh có thể sẽ gặp gỡ và làm việc với những người thông minh nhất trên hành tinh này.  Thí sinh sẽ tiếp cận và tiến dần đến những lí tưởng và ý tưởng không nằm trong tầm tay của mình, và để làm việc đó, thí sinh sẽ cảm thấy tri thức mình trưởng thành thêm.  Thí sinh sẽ giải quyết nhiều vấn đề mình chưa bao giờ gặp trước đó.  Thí sinh sẽ khám phá các khái niệm chưa bao giờ được nghe đến.  Thí sinh sẽ phát hiện những nguyên lí có thể làm thay đổi xã hội và con người.
Thứ ba là lí tưởng sống của người làm nghiên cứu khoa học rất có ý nghĩa.  (Tôi có thể nói lại câu này mà không sợ bị chê là “nói ngoa”.)  Nói về niềm hân hoan trong nghiên cứu, có một “chân lí” mà có lẽ bất cứ nhà khoa học nào cũng đồng ý: trong các hoạt động của con người nghiên cứu khoa học là lẽ sống có ý nghĩa nhất.  Tại sao nhà khoa học phải tiêu ra nhiều giờ trong phòng nghiên cứu, mài mò sách vở, bận tâm với từng con số, quan tâm đến từng biểu đồ, trong khi họ có thể tiêu thì giờ với gia đình để làm cỏ trong vườn, hay tiêu ra thì giờ với bè bạn trong quán cà phê, quán nhậu ?!  Đúng là nhà khoa học cũng có thể có một cuộc sống gia đình như hàng triệu triệu người khác, tức là làm những việc trong gia đình như bao nhiêu người khác trên thế giới này, nhưng cái khác nhau là thay vì làm những việc đó, nhà khoa học có thể làm việc trong một phòng thí nghiệm, trong phòng máy tính, trong thư viện, bên giường bệnh với bệnh nhân, hay thậm chí trong chuồng … chuột, v.v… nơi mà họ có thể khám phá những điều thú vị nhất trên đời mà chưa có người nào biết đến.  Có thể nói nghiên cứu khoa học là một niềm vui tuyệt đối.  Còn gì vui hơn khi khám phá của mình đem lại lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới, như khám phá vi khuẩn H. pylori của giáo sư Marshall, người vừa được giải Nobel y học vừa qua.
Mục đích thực và chính của việc học hành là để mở mang trí tuệ, trau dồi kiến thức, rèn luyện nhân cách, và làm người hữu ích cho xã hội.  Bằng cấp không phải dùng để đo những kết quả trên, mà chỉ là những phân chia đẳng cấp khoa bảng rất tương đối.  Bằng cấp, dù là học vị cao nhất như tiến sĩ, chỉ là một bước đầu trong hoạt động khoa học, và tự nó chưa nói đủ về khả năng chuyên môn của nhà khoa học.  Tương tự, một học hàm cao nhất như giáo sư cũng không phản ánh chính xác được mức độ đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại.  Người trí thức chân chính chỉ nghĩ đến những đóng góp có giá trị nhằm đem lại phúc lợi thực sự cho nhân loại, và không bao giờ phụ thuộc vào học vị, học hàm hay các danh xưng phù phiếm để gây ảnh hưởng trong cộng đồng.
Hệ thống học vị
(Trích từ http://www.hocvi.com)
Học vị ở Pháp, Đức và Nga
Ở Pháp, hệ thống giáo dục đại học trực thuộc sự quản lý của chính phủ. Do đó, việc phân chia bằng cấp và học vị được định đoạt bởi chính phủ. Kể từ năm 1968 (thời gian của cuộc "cách mạng giáo dục"), bằng cấp ở Pháp đã trở thành khá phức tạp và có khi khó mà so sánh được. Thông thường, sau 7 năm học trung học và thi đỗ tú tài, học sinh được cấp bằng Baccalauréat. Từ đây, học sinh có hai lựa chọn: một là thi vào các trường chuyên môn gọi là Grandes Écoles; và hai là thi vào các trường đại học "chính qui".
Nhưng trước khi thi vào các trường Grandes Écoles, học sinh cần phải học thêm khoảng một năm về toán bổ xung và một năm về toán chuyên môn. Sau đó, các học sinh sẽ phải qua một kỳ thi tuyển toàn quốc để được nhận vào các trường như École Normale Supérieure (ENS hay Sư phạm), École Nationale d'Administration (ENA hay Quốc gia Hành chính), École Polytechnique, v.v...
Tuy nhiên, nếu học sinh chọn thi vào các trường chính qui thì không phải học thêm hai năm ở trung học. Theo chương trình của các đại học chính qui, khi đã học xong chương trình đầu tiên đại học (hai năm), sinh viên có thể ra trường với bằng Diplôme Universitaire d'Études des Literature (DUEL) hay d'Études Scientifiques (DUES). Nếu muốn theo học ngành sư phạm để ra dạy trung học, sinh viên cần phải học thêm một năm (hoặc lâu hơn) nữa với mục tiêu lấy văn bằng Lisence (tương đương cử nhân) và các chứng chỉ sư phạm. Tuy nhiên, sau khi có DUEL hay DUES, sinh viên có thể theo học [cao hơn] khoảng 2 tới 3 năm để lấy văn bằng Maitrise (tương đương Master trong hệ thống giáo dục Anh, Mỹ, Úc, v.v.).
Sau khi sinh viên đã có bằng Maitrise, sinh viên muốn học doctorate cần phải trước hết học qua một đến hai năm học để lấy văn bằng Diplôme d'Études Approdondies (DEA) hay Diplôme d'Études Supérieures (DES). Sau khi đã có DEA hay DES, sinh viên có thể xin vào nghiên cứu để viết luận án tiến sĩ. Năm 1964, ba văn bằng được đưa vào hệ thống bằng cấp sau đại học ở Pháp: Doctorat du Troisième Cycle, Doctorat Université và Doctorat d'Etat (11). Thời gian học cho bằng Doctorat du Troisième thường từ hai năm rưỡi tới bốn năm. Đây cũng là một văn bằng cần thiết để dạy đại học. Học vị Doctorat Université thường được cấp cho người nước ngoài, sau khi đã qua một đến hai năm học ở bậc hậu đại học. Người có bằng Doctorat Université không có quyền dạy đại học ở Pháp. Văn bằng Doctorat d'Etat là một học vị cao nhất ở Pháp, và được cấp cho những nhà khoa học xuất sắc, đã qua ít nhất là 2 năm (thường là từ 4 tới 12 năm) nghiên cứu sau văn bằng Doctorat du Troisième Cycle. Bằng cấp này là một điều kiện được bổ nhiệm vào chức vụ
"Professeur" (Giáo sư) đại học.
Sinh viên có văn bằng Diplôme Universitaire, License, hay Maitrise có thể dự thi lấy chứng chỉ Agrégation (thường dịch là Thạc sĩ vào thời trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam). Cần nói thêm rằng Agrégation không phải là một học vị hay bằng cấp, mà chỉ là một "giấy hành nghề" giảng dạy ở vài trường hợp như giáo sư y khoa hay dược khoa (ở Pháp sinh viên học y khoa vô thẳng sau khi thi tú tài), và giáo sư trung học (sau khi ra trường ENS, sinh viên sẽ phải thi để được trao danh hiệu Agrégé vào tên mình).
Hệ thống học vị ở Đức rất khác biệt so với các nước như Anh, Úc và Mỹ. Vào độ 10 tuổi, sau khi đã qua 4 năm tiểu học, học sinh bước vào ngưỡng cửa của một loại trường Gymnasium để học các môn như toán, ngôn ngữ và khoa học tự nhiên. Sau 9 năm học ở cấp bậc Gymnasium, khoảng 25% trong số học sinh tốt nghiệp sẽ vào trường Mittelschule và học thêm khoảng 6 năm. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 50% tới 60% học sinh tốt nghiệp Abitur (tương đương với trung học phổ thông) và có quyền thi vào học đại học. Văn bằng đầu tiên ở bậc đại học là một học vị Doktor, sau khi đã qua ít nhất là 10 tới 13 năm sau khi tốt nghiệp Abitur. Tuy nhiên, phần đông sinh viên không theo đuổi học lâu dài như thế, nhưng họ lại chọn "ra trường" bằng một văn bằng Diplom sau khi đã qua 4 năm đại học. Khoảng mười năm trước, Đức bắt đầu cấp bằng Magister Artium (hay Master of Arts) cho các sinh viên. Bằng cấp này thường cấp cho sinh viên ngoại quốc, những người không muốn qua kỳ thi Staatsexamen để trở thành giáo viên học. Trên lý thuyết, ba văn bằng Diplom, Staatsexamen và Magister là ngang hàng với nhau, nhưng trên thực tế thì khác nhau xa và còn tùy thuộc theo nghành học. Chẳng hạn như trong nghành hóa học, Staatsexamen được xem là thấp hơn Magister. Nhưng trong ngành sử học, người có bằng Staatsexamen được quí trọng và xem cao cấp hơn người có bằng Magister.

Như đề cập trên, trên lý thuyết văn bằng Doktor là học vị đầu tiên của đại học Đức. Sau khi đã tốt nghiệp Doktor, thí sinh phải làm phụ tá nghiên cứu hay giảng dạy một thời gian để thu thập kinh nghiệm tiếp tục theo học văn bằng Habilitation, một học vị cao nhất ở Đức.
Ở Nga và Liên Xô cũ, sau khi xong trung học, học sinh phải trải qua một kỳ thi tuyển vào đại học. Sau 4 hoặc 5 năm theo học và đủ điểm, thí sinh được cấp bằng "diploma". Sau khi đã có bằng diploma, sinh viên phải cạnh tranh vào chương trình hậu đại học. Sau ba năm học và nghiên cứu, thí sinh có thể tốt nghiệp với bằng Kandidat Nauk (Candidate in Science)(12). Sau một thời gian dài nghiên cứu và có thành tích xuất sắc, nhà khoa học có thể trình luận án để được xét cấp văn bằng Doktor Nauk (Doctor of Science)(12). Cũng như ở Đức và Pháp, chỉ có những ngừơi có văn bằng Habilitation hay Doctor d'État mới được bổ nhiệm chức vụ giáo sư đại học, văn bằng Doktor Nauk này là một điều kiện cần thiết để được bổ nhiệm vào chức vụ giáo sư đại học ở Nga.
Một vài so sánh
So với các nước như Mỹ và Anh Quốc, hệ thống bằng cấp ở các nước Pháp, Đức và Nga (hay Liên Xô cũ) có nhiều khác biệt về thời gian đào tạo, đẳng cấp và tên gọi. Ở các nước Âu châu này, hệ thống giáo dục đại học có tính cạnh tranh cao; học sinh được nhận vào học đại học chỉ khi nào đã đỗ một kỳ thi tuyển, có khi rất khó. Ngược lại, ở các nước như Mỹ, Anh Quốc và Úc, học sinh có thể được nhận thẳng vào đại học dựa theo số điểm đạt được trong trung học và kỳ thi tú tài.
Tuy có khác nhau về tên gọi và chương trình huấn luyện, trên bình diện tổng quan, các nước Âu châu này cũng có ba học vị chính: cử nhân, cao học và tiến sĩ. Dựa theo thời gian đào tạo, có thể xem văn bằng Bachelor trong hệ thống Anh-Mỹ tương đương với License của Pháp, Diplom của Đức và Diploma của Nga. Tương tự, có thể xem học vị Master trong hệ thống Anh-Mỹ tương đương với Maitrise của Pháp, Magister của Đức, và một số văn bằng Candidat Nauk của Nga. Cũng dựa theo chương trình và thời gian đào tạo, có thể xem văn bằng Ph.D. của Mỹ và Anh tương đương với Doctorat du Troisième Cycle của Pháp, Doktor của Đức, và một số (không phải tất cả) văn bằng Candidat Nauk của Nga. Văn bằng D.Sc. của Anh và Úc có lẽ tương đương với Doctor d'État của Pháp, Habilitation của Đức và Doktor Nauk của Nga.
Hệ thống học hàm
Học vị là những văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục cho học sinh sau khi đã hoàn tất một chương trình học. Học hàm là những chức vụ khoa bảng hoặc do chính phủ hoặc do các trường đại học đề bạt hay trao tặng cho những người giảng dạy hay nghiên cứu khoa học. Thí dụ như Bachelor, Master, và Ph.D. (hay tương đương) là những học vị; và Professor, Lecturer, và Fellow là những học hàm. Ngày nay, hầu hết những người làm công tác giảng dạy đại học đều phải có học vị tối thiểu là Master, nhưng thường là Doctorate hay tương đương.
Trong các trường đại học Tây phương, người ta phân biệt ba cấp nhân viên giảng dạy mà tôi tạm gọi [theo chức năng và trình độ] là: tập sự, trung cấp, và cao cấp. Ở bậc tập sự gồm các chức vụ như Teaching Assistant, Tutor. Proctor, v.v... Những nhân viên này có trách nhiệm làm phụ giảng, chấm bài thi, giám thị trong phòng thí nghiệm, v.v...
Ở bậc trung cấp gồm những nhân viên khoa bảng mang học hàm như Lecturer (ở Anh và Úc), Maitre Assistant (Pháp) và Assistant Professor (Mỹ)(13). Những nhân viên này là những người đang ở bước đầu trong nấc thang sự nghiệp khoa bảng, có nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy sinh viên và làm nghiên cứu hoặc độc lập, hoặc dưới sự chỉ đạo của các giáo sư thâm niên.
Trên trung cấp một bậc là những nhân viên khoa bảng mang học hàm Reader (ở Anh và Úc), Maitre de Conférence (Pháp) và Associate Professor (Úc và Mỹ)(14). Những người này là những nhà khoa bảng đang ở trong thời kỳ "quá độ" để chuẩn bị được đề bạt lên một chức vụ khoa bảng cao nhất trong hệ thống học hàm đại học. Trong đại đa số, họ cũng là những nhà nghiên cứu độc lập và có ít nhiều uy tín trong chuyên môn.
Sau cùng là các nhân viên khoa bảng cao cấp, tức những người mang học hàm Professor (ở Mỹ, Anh, và Úc), Professeur (Pháp) hay Senior Fellow (Anh và Úc)(15). Họ là những nhà khoa bảng kinh nghiệm lâu năm và quá trình nghiên cứu có uy tín trên trường quốc tế.
Tiêu chuẩn để được đề bạt vào các chức vụ này thường dựa vào ba cống hiến chính: nghiên cứu, giảng dạy, và phục vụ cộng đồng. Về nghiên cứu, mức độ cống hiến cho kiến thức nhân loại được "đo lường" bằng số lượng và chất lượng các bằng sáng chế (patents) hay các bài báo khoa học (papers) được công bố trong các tạp chí khoa học chuyên môn(16). Tùy theo trường đại học, một Assistant Professor phải có ít nhất là 5 bài báo khoa học; một Associate Professor thường phải có tối thiểu là 30 bài báo khoa học; và một Professor phải có tối thiểu là 50 (thường là 100) bài báo khoa học.



Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Mười sự kiện đình đám trong đầu tư bất động sản (Do báo Lao động điện tử bình chọn)

10 sự kiện bất động sản “đình đám” năm 2010
Thứ Sáu, 24.12.2010 | 14:17 (GMT + 7)
(LĐO) - Đồ án quy hoạch chung Hà Nội cùng với cuộc tranh cãi về sự tồn tại hay không trục Hồ Tây – Ba Vì, thu hồi nhiều dự án treo, bài học từ việc “bán nhà trên giấy” ở Cienco 5 Land… là những sự kiện tiêu biểu năm 2010 mà Laodong.com.vn bình chọn.
1. Cuộc tranh cãi “nảy lửa” có hay không có trục Hồ Tây – Ba Vì

Đồ án quy hoạch chung Hà Nội (QHC HN) đã được công bố đã có nhiều ý kiến trái chiều. Theo Bộ Xây dựng, Trung tâm hành chính mới tại Ba Vì nhưng trục Hồ Tây – Ba Vì rất cần thiết, là tầm nhìn cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô. Việc xây dựng trục Hồ Tây – Ba Vì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề về giao thông, dù chưa làm nhưng phải có trong quy hoạch để giữ đất, nếu không các dự án sẽ lấp vào đó. Còn lãnh đạo Hà Nội cho rằng, trục Hồ Tây - Ba Vì ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và phát triển đô thị bền vững, trục này không cần thiết. Thế nhưng, sau một thời gian, Hà Nội đột ngột thay đổi “thái độ”, cho rằng vẫn cần xây dựng trục Hồ Tây - Ba Vì nhưng không phải trục thẳng mà là trục cong theo địa hình ngoài vành đai 4.
Đồ án quy hoạch chung Hà Nội được sự quan tâm của dư luận trong năm 2010.
Đồ án quy hoạch chung Hà Nội được sự quan tâm của dư luận trong năm 2010.
Cuối năm 2010, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ xem xét Đồ án QHC HN đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Và cuộc tranh cãi giữa các cơ quan trên sẽ kết thúc khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt cuối cùng với bản QHC HN mở rộng này.
2. Cơn sốt đất “ảo” theo quy hoạch
Vì những thông tin chưa chính thức về QHC HN mà năm 2010 nhiều nhà đầu tư đã ngậm “trái đắng” khi đầu tư theo tin đồn, theo đám đông. Nghe phong phanh Ba Vì trở thành Trung tâm hành chính quốc gia, giá đất lên từng giờ, từng ngày. Từ chỗ chẳng ai ngó đến, đất Ba Vì đã  tăng dần từ 30 triệu đồng/sào (1 sào = 360m2), đến 160 triệu đồng/sào, rồi lên tới 450 – 500 triệu đồng/sào, có mảnh còn lên tới tiền tỷ… Nhiều nhà đầu tư khóc dở mếu dở khi “cơn sốt ảo” nhanh chóng tan biến, ngậm ngùi khi chót “đánh rơi” tiền tỷ ở Ba Vì!
Nhiều nhà đầu tư đã đánh rơi tiền tỷ ở Ba Vì
Nhiều nhà đầu tư đã đánh rơi tiền tỷ ở Ba Vì
Thế rồi, đến khi nhà đầu tư lại nghe thông tin trụ sở bộ ngành sẽ đặt tại Mỹ Đình, cơn sốt đất lại tái diễn, giá đất mặt đường phố Lê Đức Thọ đã bị “thổi” lên mức trên 300 triệu đồng/m2. Cùng với việc Đại lộ Thăng Long và đường Lê Văn Lương kéo dài được thông xe khiến khu vực này xuất hiện hàng trăm dự án BĐS lớn nhỏ khác nhau và giá đất theo đó cũng tăng mạnh.

3. Nhiều dự án ở Hà Nội phải dừng và thu hồi

398 đồ án, dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã (không bao gồm các dự án đã được Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai trong đợt 1) đã được UBND TP HN tiến hành rà soát.
13 dự án trên diện tích 14 ha ở Hà Nội sẽ bị thu hồi do chậm triển khai
13 dự án trên diện tích 14 ha ở Hà Nội sẽ bị thu hồi do chậm triển khai
Sau khi cân nhắc, phân tích cụ thể, UBND Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng cho phép 202/398 đồ án, dự án được tiếp tục triển khai. Số đồ án, dự án này chiếm 21.456 ha/41.664 ha đất. Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng tạm thời dừng lại 192/398 đồ án, dự án (chiếm 19.607 ha) thuộc loại không hoặc chưa đáp ứng tiêu chí chủ đạo, tiêu chí đặc thù và không thuộc đối tướng cho phép thí điểm chuyển đổi mục tiêu quy hoạch.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị thành phố thu hồi 13 dự án trên diện tích 14 ha do triển khai chậm và có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai.

4. Bài học từ vụ “bán nhà trên giấy”

Tháng 4.2010, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Cty CP Xây dựng và Dịch vụ 1-5 (Cty 1-5). Nguyên nhân là Dự án Thanh Hà do Cty CP phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land ) làm chủ đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với Cty 1-5 với nội dung Cty 1-5 cho Cienco 5 Land vay số tiền 200 tỷ đồng, thời hạn 18 tháng, lãi suất 1%/tháng. Đổi lại, Cienco 5 Land sẽ ưu tiên cho Công ty 1-5 được thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư vào Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5.
Tuy nhiên, ngay sau đó Cienco 5 Land, đã hủy bỏ bản hợp đồng đã ký này. Mặc dù vậy, bản hợp đồng vẫn được Cty 1-5 sử dụng làm căn cứ pháp lý thực hiện việc bán đất tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land và chiếm đoạt hơn 600 tỷ đồng của nhà đầu tư. Đây là một trong hàng trăm trường hợp “bán nhà trên giấy” và cũng là bài học cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư.

5. Những “siêu dự án” bị rút phép

Dự án Khu phức hợp công nghiệp nặng STX Vina của tập đoàn STX (Hàn Quốc) được UNBD tỉnh Khánh Hòa cấp phép ngày 22.01.2008 trên diện tích hơn 100 héc ta và tổng mức đầu tư 500 triệu USD tại khu vực Mũi Du (xã Ninh Hải, huyện Ninh Hoà). Chuẩn bị cho dự án, tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông. Tuy nhiên, STX xin gia hạn triển khai, do đang gặp khó khăn. Sau một thời gian gia hạn, tỉnh Khánh Hòa buộc phải thu hồi giấy phép dự án.
Phối cảnh dự án Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng ở Quảng Nam, một trong những “siêu dự án” bị rút phép.
Phối cảnh dự án Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng ở Quảng Nam, một trong những “siêu dự án” bị rút phép.
Dự án The AJ Vietstar 200 triệu USD ở Vũng Tàu do Cty TNHH Xây dựng và Phát triển AJ Vietstar (vốn đầu tư của Hàn Quốc) đã được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã trao giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 2.2009. Tuy nhiên, đến tháng 8.2010, UBND tỉnh này đã ký quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Cty TNHH xây dựng và phát triển AJ Vietstar do phía Hàn Quốc không đủ năng lực tài chính.
Khu du lịch sinh thái bãi biển Rồng tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã bị UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi giấy phép, nguyên nhân là do đã quá thời hạn (4.2010) nhưng Cty TNHH Tập đoàn Bãi biển Rồng, đơn vị chủ đầu tư vẫn chưa triển khai các bước thực hiện đầu tư như cam kết.
Một số dự án khác bị rút phép:  Dự án du lịch sinh thái biển cao cấp Pegasus Fund của nhà đầu tư Mỹ; Dự án Khu du lịch Quê Việt của nhà đầu tư Canada của UBND tỉnh Quảng Nam…

6. Làn sóng xây nhà “chọc trời” của DN Việt Nam

Cho đến thời điểm này, Keangnam Hanoi Landmark Tower trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) được cho là tòa tháp cao nhất Việt Nam và cao thứ 17 trên Thế giới  với 70 tầng, chiều cao 336m. Tòa tháp đã khởi công tháng 11.2007 và sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2011.
Keangnam vẫn chưa phải nhà vô địch xây nhà cao tầng
Keangnam vẫn chưa phải nhà vô địch xây nhà cao tầng
Ngành Dầu khí Việt Nam đã công bố quyết định xây tòa nhà cao 102 tầng. Với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD và chiều cao dự kiến khoảng 528m, tòa tháp Dầu khí đang được coi là tòa nhà cao nhất Việt Nam và cao thứ nhì châu Á. Ngay sau đó, tập đoàn Kinh Bắc cũng công bố dự án xây tòa nhà cao 100 tầng tại đường Phạm Hùng, Hà Nội.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã khởi công xây dựng Tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp VietinBank tại khu đất rộng 30.000 m2 thuộc Khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Dự án có tổng vốn đầu tư 400 triệu USD, tương đương gần 8.000 tỷ đồng bao gồm 2 toà tháp cao 68 và 48 tầng.
Tại TP HCM, tòa tháp cao nhất Bitexco Financial Tower đã chính thức khánh thành cuối tháng 10 với chiều cao 262m, gồm 68 tầng. Ngay sau đó, Tập đoàn Bitexco đã khởi công dự án Ben Thanh Towers tại khu vực trung tâm TP HCM với 2 tòa tháp cao 55 tầng.

7. Báo động về chất lượng và độ an toàn của chung cư

Năm 2010, nhiều chung cư cả ở cả Hà Nội và TP HCM đều bị người dân sinh sống “tố” chất lượng chung cư xuống cấp. Nhiều chung cư cao cấp mới ở 3 năm đã rơi vào tình trạng bong tróc, tường ngấm nước, thang máy rơi tự do như chung cư Orient ở TP HCM, chung cư Mỹ Đình…
Cháy chung cư JSC 34, cao 18 tầng thuộc Cty công trình 34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến.
Cháy chung cư JSC 34, cao 18 tầng thuộc Cty công trình 34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến.
Trường hợp tử vong của cháu bé 3 tuổi ở tầng 5 chung cư N05, khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu an toàn ở các lan can chung cư.
Rồi nhiều cháy chung cư cao tầng như vụ cháy tòa nhà chung cư JSC 34, cao 18 tầng thuộc Cty công trình 34, ngõ 164, đường Khuất Duy Tiến, (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) xảy ra vào hồi 18 giờ ngày 10.3, đã cướp đi sinh mạng của 2 người dân sống tại đó cũng là hồi chuông báo động về công tác phòng cháy chữa cháy tại các chung cư cao tầng.

8. Nhà ở cho người thu nhập thấp “lên ngôi”
Mở màn “chiến dịch” nhà ở thu nhập thấp phải kể đến dự án nhà tại khu CT1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông do Cty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai) với 328 căn và mức giá bán khoảng 8,8 triệu đồng/m2.
Năm 2010, nhà ở cho người thu nhập thấp “lên ngôi”.
Năm 2010, nhà ở cho người thu nhập thấp “lên ngôi”.
Liên danh Cty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Cty cổ phần xây dựng số 21 Vinaconex đã tiếp tục  khởi công dự án xây dựng 5 tòa nhà dành cho người thu nhập thấp trên lô đất CT1 và CT2 của khu đấu giá, tái định cư và nhà ở xã hội Kiến Hưng, quận Hà Đông có tổng diện tích hơn 2,5ha. Các tòa nhà đều cao 19 tầng, sẽ có tổng số 1.512 căn hộ, diện tích bình quân 70m2/căn, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 147.000 m2. Tổng mức đầu tư dự án là 949 tỷ đồng.
Tổng Công ty Viglacera cũng vừa khởi công xây dựng 10 tòa nhà chung cư cao 12 tầng tại Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm); Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội khởi công xây dựng 840 căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị mới Sài Đồng.

9. Chung cư mini được “cởi trói” bởi chính sách
Sau khi chung cư mini có những chính sách “thoáng” hơn như  không bắt buộc phải qua sàn giao dịch BĐS, được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, thủ tục pháp lý đơn giản hơn… Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 16/2010/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 71 của Chính phủ về thi hành Luật Nhà ở thì mảng chung cư mini  đang nở rộ, giúp nhiều gia đình thu nhập thấp thêm cơ hội mua nhà.
Chung cư mini không bắt buộc giao dịch qua sàn và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Chung cư mini không bắt buộc giao dịch qua sàn và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.
Ngày 15.10.2010 Thông tư 16 hướng dẫn Nghị định 71 có hiệu lực với nội dung cho phép uỷ quyền công chứng tài sản nhà ở hình thành trong tương lai khiến giới đầu tư bất động sản kỳ vọng sẽ là “phao” đưa thị trường BĐS thoát khỏi cảnh trầm lắng hiện nay.

10. Xu hướng đầu tư vùng ven

Trước việc giá đất ở các thành phố bị đẩy quá cao, nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội chuyển hướng đầu tư ra các tỉnh.  Điển hình là Vĩnh Phúc - địa bàn có nhiều dự án BĐS của Hà Nội nhắm đến nhiều nhất, tiếp sau đó là Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Thanh Hóa…
Vĩnh Phúc là điểm đến của nhiều nhà đầu tư Hà Nội.
Vĩnh Phúc là điểm đến của nhiều nhà đầu tư Hà Nội.
BĐS phía Nam ngoài địa bàn TP HCM cũng nhanh chóng vươn ra các địa phương lân cận đang phát triển nhanh chóng như Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ... Khu vực miền Trung sôi động với loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng khiến giá nhà đất tại Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận...tăng vọt.
Lê Thảo
(nguồn laodong.com.vn)

Mười sự kiện công nghệ thông tin và truyền thông 2010

Sáng 22/10/2010, tại Hà Nội, Bộ Thông tin - Truyền thông họp báo công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành thông tin và truyền thông.
10 sự kiện CNTT - TT 2010

1.Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin - Truyền thông" 
Ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin - Truyền thông" (CNTT-TT). Đề án sẽ tạo bước đột phá quan trọng trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gồm: tập trung phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông băng thông rộng, phổ cập tin học, ứng dụng CNTT, xây dựng thị trường CNTT-TT.
2. Luật Bưu chính được Quốc hội thông qua
Luật Bưu chính được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Luật gồm 10 chương, 46 điều qui định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính.
Như vậy, cùng với Luật CNTT, Luật Giao dịch điện tử, Luật Xuất bản và các nghị định, hướng dẫn được ban hành tạo hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách tương đối đầy đủ, đồng bộ, minh bạch và phù hợp thực tiễn, thúc đẩy hoạt động bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản Việt Nam phát triển, đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
3.Chương trình mục tiêu quốc gia "Đưa thông tin về cơ sở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo" được Quốc hội thông qua
Ngày 10/11/2010, Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ VIII thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia "Đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo", nhằm rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ thông tin giữa các vùng, miền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Cùng với đó, chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích, dự kiến sẽ được thực hiện tại 250 huyện và 3.000 xã, trong đó ưu tiên 1.700 xã vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn 2011-2015 bao gồm: đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin truyền thông cơ sở, tăng cường vật cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin tuyên truyền...
4. Doanh nghiệp viễn thông đứng hàng đầu Việt Nam về nộp thuế
Ngày 23/9, Công ty Cổ phẩn Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với báo điện tử VietNamNet công bố kết quả xếp hạng top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam. Theo đó, Công ty Thông tin di động (MobiFone) nộp thuế với gần 6.000 tỷ đồng, tiếp đến là Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel).
Trong năm 2010, các doanh nghiệp bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục được đầu tư và phát triển mạnh. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông doanh thu vẫn tăng 57,2% so với năm trước, nộp ngân sách nhà nước tăng 20,8% so với năm 2009.


5. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh Internet, game online
Nhằm hạn chế và ngăn ngừa những tác hại của game online, năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các sở trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm tăng cường quản lý game online. Bộ đã đề ra 5 nhóm giải pháp là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, tăng cường kiểm tra cơ sở và đại lý hoạt động trong lĩnh vực này.
Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các trò chơi trực tuyến có nội dùng lành mạnh và tuyên truyền để thay đổi nhận thức của xã hội về dịch vụ trò chơi trực tuyến. Cũng trong năm nay, Hiệp hội Internet Việt Nam được thành lập ngày 23/6/2010.

6. An toàn thông tin trở thành vấn đề sống còn đối với các tổ chức, doanh nghiệp
Lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông công bố thông điệp về an toàn thông tin tại "Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2010" với chủ đề "Quy hoạch an toàn thông tin số quốc gia - Con đường phía trước". Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thông tin của toàn xã hội, khuyến khích quảng bá việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, bảo mật giúp các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, các qui định thiết thực để đảm bảo an toàn thông tin.
7. Hội chợ Sách quốc tế có qui mô lớn nhất từ trước tới nay
Từ ngày 17-21/9/2010, Triển lãm - Hội chợ Sách quốc tế lần thứ III được khai mạc, là một trong những hoạt động chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Triển lãm này có qui mô lớn nhất từ trước tới nay. Có trên 230 gian hàng đã trưng bày và bán hàng nghìn tên sách, hàng triệu bản sách và văn hóa phẩm về Thăng Long - Hà Nội, Đảng, Bác Hồ, về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
8. Lần đầu tiên Cộng đồng ASEAN tổ chức Liên hoan ảnh, phim tài liệu và phóng sự
Trong năm 2010, lần đầu tiên Liên hoan hoan ảnh, phim tài liệu và phóng sự về đất nước, con người trong cộng đồng ASEAN được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Đất nước và con người các quốc gia ASEAN". Liên hoan đã thu hút gần 7.000 tác phẩm dự thi của các tác giả là nhà nhiếp ảnh, phóng viên các cơ quan báo chí, các nhà làm phim từ các nước thành viên ASEAN.

9. Lần đầu tiên Hội báo xuân được tổ chức tại Paris (Pháp)
Ngày 27/2/2010, lần đầu tiên Hội báo xuân Việt Nam 2010 đã được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris (Pháp) với sự có mặt của hơn 680 ấn phẩm báo chí thuộc hơn 400 cơ quan báo chí của Việt Nam, đánh dấu một bước mới trong sự nghiệp hội nhập và phát triển của truyền thông Việt Nam trên trường quốc tế.
10. Việt Nam đoạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 39
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU do Liên minh Bưu chính thế giới tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên sau 20 năm tham gia, Việt Nam giành giải nhất với chủ đề: "Hãy viết thư cho một người nào đó, để nói vì sao sự hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng". Tác phẩm đạt giải nhất là bức thư của em Hồ Thị Hiếu Hiền, học sinh trường THCS Tây Sơn (Hải Châu, Đà Nẵng).

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Mười sự kiện kinh tế xã hội nổi bật năm 2010 (bình chọn của báo Nông nghiệp nông thôn)

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2010


1. Gần 8 tỷ USD cam kết đầu tư cho Việt Nam

Dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng năm 2010, cộng đồng các nhà tài trợ vẫn cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với mức hỗ trợ ODA là 7,905 tỷ USD (năm ngoái 8,063 tỷ).
Như vậy, qua 18 kỳ tài trợ, số vốn tài trợ kể cả lần này là trên 64 tỷ USD cam kết, thể hiện sự tin tưởng của các nhà tài trợ đối với nền kinh tế Việt Nam. Các đối tác tài trợ của Việt Nam cũng đánh giá cao việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Việt Nam trong những năm qua. Tốc độ giải ngân tương đối tốt, đạt 4,1 tỷ USD vào năm 2009 và 3,5 tỷ USD vào năm 2010
2. Thuỷ điện Sơn La về đích sớm 2 năm
Những ngày cuối năm 2010, tổ máy số 1 (công suất 400 MW) của thủy điện Sơn La sẽ chính thức phát điện, vượt tiến độ trước 2 năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Nhà máy này có tổng mức đầu tư 58.483,412 tỷ đồng, tăng khoảng 60% so với Nghị quyết của Quốc hội.
Nhà máy Thủy điện Sơn La có công suất thiết kế 2.400 MW với 6 tổ máy, là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Không những thế, khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ bổ sung cho lưới điện quốc gia bình quân 10,2 tỷ KWh/năm. Thủy điện Sơn La không chỉ có vai trò quan trọng là cung cấp điện năng mà còn có tác dụng chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ.
3. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Thăng Long- Hà Nội đã tổ chức Đại lễ ngàn tuổi với chuỗi 10 ngày hoạt động với sự tham gia của hàng triệu người dân khắp cả nước và rất nhiều công trình và hoạt động có ý nghĩa: Con đường gốm sứ được công nhận là kỷ lục guiness, khánh thành đại lộ Thăng Long, dừng bắn pháo hoa ủng hộ đồng bào miền Trung... Bia tiến sĩ Văn Miếu đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới và sau đó, Hoàng thành Thăng Long cũng được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
4. Lạm phát vượt xa ngưỡng dự báo
Giá cả tăng cao khiến người dân phải thắt lưng buộc bụng.
Mặc dù chỉ tiêu lạm phát đã được điều chỉnh, tuy nhiên lạm phát năm nay vượt mức 2 con số. CPI năm 2010, cũng ở mức 2 con số đã khiến người dân ngày càng phải buộc chặt bụng hơn. Tính chung trong năm 2010, các con số chính thức cho thấy VND đã mất giá hơn 5,5% chưa tính ảnh hưởng bởi lạm phát và CPI.
5. Giá vàng, lãi suất tăng kỷ lục
Ngày 9-11, giá vàng đã lên tới 38,2 triệu đồng/lượng, gần như lặp lại ngày thứ tư đen tối 11-11-2009, dù trong nước không hề thiếu vàng. Nguyên nhân được xác định sau đó là đầu cơ. Biện pháp tâm lý "cho nhập vàng" một lần nữa được áp dụng và giá vàng tụt gần 2 triệu đồng/lượng chỉ sau 4 tiếng đồng hồ. Năm qua, Chính phủ cũng đã chính thức dẹp bỏ "sòng bài" kinh doanh vàng.
Giá vàng năm 2010 có thời điểm lên tới 38,2 triệu dù trong nước không thiếu vàng.
Với lãi suất vào ngày 9-12, Ngân hàng Kỹ thương lần đầu tiên đã niêm yết công khai mức lãi suất huy động kỷ lục 17,6%. Với sự công khai lãi suất huy động, các chuyên gia kinh tế tính toán mức cho vay phải vào khoảng 21-22% và mức lãi kinh doanh để không thua lỗ đối với các doanh nghiệp sẽ phải lên tới 30%, một thảm hoạ cho sản xuất kinh doanh.
6. GS Ngô Bảo Châu đoạt Giải “Nobel Toán học”
Giáo sư Ngô Bảo Châu trong lễ tôn vinh tại Ấn Độ.
Ngày 19-8, người Việt Nam đầu tiên đã đoạt Giải Fields, một giải thưởng cao quý của Toán học có thể ví như "Nobel Toán học". Đó là Giáo sư Ngô Bảo Châu với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản.
7. Lũ lụt miền Trung gây thiệt hại nặng nề
"Lũ chồng lên lũ", "Thuỷ điện xả lũ" là những từ ngữ tràn ngập trên các báo vào tháng 10 và 11, khi miền Trung liên tiếp hứng chịu các trận bão lũ lớn đã gây thiệt hại về người và của hết sức nặng nề. Gần 200 đồng bào đã chết, 30 người mất tích.
Thảm hoạ xe khách bị lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh, làm gần 20 người thiệt mạng vào tháng 10- 2010.
Cả miền Trung hoang tàn. Riêng trong vụ chiếc xe khách bị cuốn trôi, đã có 20 người chết và mất tích. Đây cũng là năm thứ 2, báo chí, dư luận nói về "nhân tai" với những cái tên trở thành nỗi khiếp đảm của dân chúng như Hố Hô.
8. GDP vượt chỉ tiêu
Dù FDI hụt 3 tỷ USD so với năm ngoái, và thâm hụt thương mại lên tới 12 tỷ USD, nhưng GDP cả năm đã đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, cao hơn kế hoạch đề ra 0,2%. Đây là một thành tựu lớn của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới.
9. Vinashin “đắm”
Thua lỗ nặng nề đã khiến Tập đoàn Vinashin chìm trong nợ nần.
Tổng nợ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam- Vinashin lên tới 86 nghìn tỷ đồng (tính đến tháng 6-2010), sau chỉ 4 năm hoạt động dưới mô hình tập đoàn kinh tế mà mức độ nghiêm trọng được ví như vụ đắm tàu Titanic. Hiện Vinashin đang được tái cơ cấu nhưng phải đối mặt với những món nợ khổng lồ.
10. Bê bối đấu giá từ thiện
"Trò chơi từ thiện đang đấu giá lòng trắc ẩn"- đây là cái tít ấn tượng nhất và cũng chua xót nhất cho không chỉ vụ "buôn thịt lừa" trong đêm hội hướng về đồng bào miền Trung. Lập kỷ lục có đông Hoa hậu nhất, đông doanh nhân nhất, quyên góp được nhiều tiền vì đồng bào miền Trung nhất, tuy nhiên đêm hội thực sự đã trở thành một thảm hoạ khi lòng nhân ái được đem ra làm trò đùa khi gần như cả 3 nhà "từ thiện" sau đó đã từ chối trả tiền.