Trang

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Đạo Sikh



Guru Nanak
Viết nhân ngày lễ Guru Nanak
Tra wikipedia thì Guru Nanak sinh ngày 14 tháng Tư năm 1469 và chết ngày 22 tháng Chín năm 1539. Nhưng trên lịch Ấn Độ lại lấy ngày 28 tháng mười một là kỷ niệm ngày sinh của ông. Chắc do tính theo lịch âm của Ấn. Ông là người sáng lập ra đạo Sikh và là người đầu tiên trong số mười vị Guru của đạo Sikh. Từ Sikh theo nghĩa Sankrit tức là môn đồ hoặc là học trò, còn có nghĩa là sự hướng dẫn. Theo như Điều 1 của bộ luật của đạo Sikh, người Sikh "tin tưởng ở một Đấng bất tử và mười vị Guru". Họ có năm đặc điểm bên ngoài: để râu, đeo vòng tay sắt bên tay phải, một thanh dao găm, một cái lược và một cái Kachehra (một loại quần sooc).
Dường như người Sikh có năng khiếu đặc biệt trong chiến trận hay sao đó mà họ có mặt trong quân đội rất đông, chiếm tới 15% quân số Ấn Độ, thậm chí tính riêng sĩ quan thì họ còn chiếm tới 20%, trong khi dân số chỉ chiếm có 1,86% tổng số dân Ấn Độ. Tuy nhiên trong quân đội, họ vẫn dùng chiếc khăn quấn đầu nổi tiếng của mình chứ không đội mũ như quy định đồng phục quân đội.
Các đặc điểm nhận dạng của người Sikh

Người theo đạo Sikh chủ yếu sinh sống ở bang Punjab (bang này giờ chia là hai phần, nửa thuộc Ấn Độ, nửa thuộc Pakistan). Vào thế kỷ 18, năm 1716, Bandar Sing Bahadur đã lãnh đạo người Sikh chiến đấu với đế quốc Mughal và lập nên đế quốc Punjab tồn tại trong suốt một thế kỷ. Đế quốc này gồm bang Punjab, Gujarat và cả Pakistan bây giờ. Tới năm 12 tháng Tư 1801, đế quốc Punjab bị người Anh xâm chiếm, nhưng họ còn cầm cự đến năm 1839, khi vua Rajit chết.
Về sau người Sikh vẫn muốn khôi phục lại quốc gia của họ và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến Chiến dịch Ngôi sao xanh và cái chết của Indira Gandhi. Khi đó người Sikh tập trung ở đền Harmandir Sahib hay thường gọi là đền Vàng ở thành phố Amritsar, Punjab, India. Chính phủ Ấn Độ tiến hành chiến dịch Ngôi sao xanh để truy bắt Jarnail Sing Bhindrawala. Cuộc tấn công vào ngôi đền diễn ra từ ngày 3 đến 6 tháng sáu 1984 đã giết chết 250 người Sikh và gây hư hại nghiêm trọng cho ngôi đền, biểu tượng thiêng liêng của đạo Sikh. Vì vậy, hai vệ sĩ của Indira Gandhi đã quyết định báo thù cho đạo của họ. Ngày 30 tháng Mười năm 1984, lúc 9:20 sáng, khi Indira Gandhi chuẩn bị đi tới một buổi phỏng vấn thì hai vệ sĩ này đã nổ súng và giết chết bà. Sau đó họ vứt súng, đứng chờ những người khác tới. Một vệ sĩ nói, “Chúng tôi đã làm xong việc của mình, giờ các vị làm việc của các vị”. Người này bị bắn chết ngay tại chỗ. Người vệ sĩ còn lại bị bắt và bị tuyên án tử hình sau đó.
Đền Vàng

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Thuật ngữ lý luận - Lợi ích nhóm.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị TW lần thứ ba (10/10/2011) và Hội nghị TW lần thứ tư, BCH TW Đảng khoá XI, ngày 31/12/2011, Tổng bí thư dùng cụm từ "lợi ích nhóm" để miêu tả nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quy hoạch phát triển và cả những bất lợi trong thực hiện quy hoạch đó.
Bài trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ngày 4/1/2010 đã nhắc đến cải cách thể chế để có những cơ quan chăm lo đến lợi ích lâu dài của dân tộc mà không bị "tác động bởi lợi ích nhóm".
Không rõ từ "lợi ích nhóm" này xuất hiện sớm hơn nữa là từ lúc nào và thực sự thì ai phát minh ra cụm từ này, nhưng tới Hội nghị TW 6 vừa kết thúc, cụm từ này ngập tràn trên các báo chí và diễn đàn chính trị. Tra cứu nhóm từ này trong 0,25 giây cho 1.780.000 kết quả. Hội nghị TW 6 họp tại Hà Nội từ 1 đến 15/10/2012 được chờ đợi sẽ chỉ ra những cái tên cụ thể trong "lợi ích nhóm".
Về mặt phương hướng mà nói thì cách đặt vấn đề có vẻ đúng là phải xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách ... tức là toàn bộ những thứ mà đòi hỏi tính lâu dài cần phải tránh được tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm. Khốn một nỗi, để quay trở lại nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì các chiến lược, chính là thể hiện ý chí, mong muốn đạt tới một kết quả nào đó trong tương lai, lại phụ thuộc vào cơ sở vật chất đang nuôi dưỡng chính người lập ra kế hoạch chiến lược đó. Nói khác đi thì  anh được hưởng lợi gì thì anh sẽ viết kế hoạch theo hướng đó. Tách rời lợi ích của nhóm lập chiến lược ra hỏi xu hướng chiến lược ấy thực là một cách đặt vấn đề siêu hình, chính là duy ý chí, và mong muốn có một cơ chế để chăm lo đến lợi ích lâu dài mà không bị tác động bởi lợi ích nhóm là một việc làm không tưởng.
Cách tiếp cận đúng đắn phải là thẳng thắn thừa nhận có những lợi ích cục bộ, ít nhất cũng vì lý do địa chính trị. Ta thử hình dung, nếu người làm chính sách nào đó, ông X. chẳng hạn là người miền biển, lẽ cố nhiên ông ta hiểu biết về biển đảo nhiều hơn ông Y. là người dân miền núi, nước phải cõng từng gùi từ dưới khe lên tưới cho ruộng bậc thang. Không thể yêu cầu ông X. quan tâm đến vấn đề trồng trọt được khi mà lợi nhuận của người dân vùng ông ta đến chủ yếu từ khai thác thuỷ sản, cũng như không thể đợi ông Y có ý tưởng xây một hải cảng trên miền núi non trùng điệp của ông ta. Như vậy ta có thể hiểu là ông X viết chiến lược sẽ theo hướng mở ra biển, ông Y viết chiến lược sẽ theo hướng khai thác lâm sản. Suy cho rộng ra thì ai cũng có tư tưởng "vì mình" cả thôi, ngay cả các nước văn minh cũng thế cơ mà, mỗi vị đại diện cho một đảng chính trị có cương lĩnh tranh cử khác nhau và họ cũng chỉ hoạt động cho mục tiêu ấy thôi. Huống chi nước ta còn đang phát triển, chưa biết sẽ phát triển đi theo hướng nào, vì nhiệm kỳ mỗi lần 4-5 năm nên ông miền biển thôi làm thì ông miền núi cũng viết chiến lược theo ý ông ta. Sự khác nhau là ở nước ta, không nói đến từ giai cấp, tức là không thừa nhận bất cứ sự khác nhau nào trong quan hệ sản xuất và sở hữu tư liệu sản xuất, mặc dù nói đến từ 'lợi ích nhóm" thì cũng chả khác nào nói có những tầng lớp khác nhau về sở hữu. Về mặt lý luận như thế là bị mâu thuẫn với chính mình.
Tuy nhiên nếu vẫn không để mất Đảng, mất chế độ, bằng cách chỉ thừa nhận có nhóm lợi ích khác nhau trong Đảng, thì cái cần ở đây không phải là nói chung chung phải có một cơ chế để lợi ích lâu dài không bị lợi ích nhóm tác động, mà phải đặt vấn đề theo cách làm thế nào để xây dựng một cơ chế để lợi ích nhóm nằm trong lợi ích lâu dài chứ không mâu thuẫn thậm chí phá hoại lợi ích lâu dài.

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Lần thứ hai đi Agra

Dẫu lần du lịch không phải là dự định trước nhưng chuyến đi vẫn có những cảm xúc không kém gì lần đầu. Cho dù không cần đến hướng dẫn cho lắm nhưng trước sự nài nỉ và rất khéo léo của một cậu thanh niên (cậu ta giới thiệu là đang học trường sư phạm), chúng tôi vẫn chấp nhận cậu ta làm hướng dẫn. Hoá ra cậu ta nhiệt tình đến mức sau khi kết thúc chuyến thăm, đoàn còn thưởng thêm cho cậu một khoản tương đương với số tiền mà cậu đã thoả thuận

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Lầy lội trong thông tin.

Tin tức thì không thể thiếu, nhưng trong đại dương internet này, nước và rác nhiều hơn thực phẩm. Trình độ sử dụng và cả trình độ phân tích của những cư dân mạng càng nâng cao thì những thông tin đưa ra càng rối rắm, đó là nghịch lý của xã hội hoá thông tin. Bất hạnh hơn, vì nhu cầu đưa tin khẩn cấp làm cho người đưa tin buộc phải xuất bản nội dung với tốc độ tính bằng giây nên sự trau chuốt từ ngữ không còn, người nào dùng Tweeter thì biết, chỉ có 140 từ trong giới hạn một tin. Có khi mình mới gõ vài từ đã thấy nội dung tương tự được xuất hiện rồi. Người đưa tin còn bị động như thế nói gì đến người đọc. Nhiều khi người đọc chỉ kịp lướt qua cái tiêu đề để biết có gì đó đã xảy ra chứ không đủ thời gian đọc cả tin, nói gì đến phân tích. Thế là từ nửa tin nửa ngờ ngã sang tin tưởng một cách mù quáng.
Giờ ai cũng lập được một trang tin riêng cho mình, người  có quyền càng có thể có một trang tin để đánh bóng tên tuổi và tấn công đối thủ. Thậm chí thiết lập một hệ thống vành đai thông tin để tung hoả mù, hướng dẫn dư luận.

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2012

Thế giới của sự đan chéo những quyền lợi.

Trong những ngày này, thế giới đang nóng sực lên với những cuộc xung đột với đủ loại quy mô và cường độ. Các xung đột ấy đan xen cả về địa lý, chính trị, xã hội, kinh tế.
Nước Mỹ đang phải đối đầu với phần Hồi giáo của thế giới vì bộ phim chế nhạo nhà tiên tri Mahomed. Một anh chàng nào đó ở California đã làm một bộ phim miêu tả Mahomed là kẻ mê gái và khủng bố. Thế là đúng vào ngày kỷ niệm 11 năm cuộc khủng bố 11/9, người Lybi đã tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Bengazi, Lybie, giết chết 4 người Mỹ, trong đó có cả đại sứ Mỹ tại Lybie và 2 cựu đặc nhiệm hải quân. Mà lợi ích kinh tế của Mỹ ở Trung Đông thì khỏi phải nhắc lại làm gì. Giờ đây các cuộc biểu tình chống Mỹ lan rộng, người Mỹ đã phải rút nhân viên khỏi Tunisia và Sudan. Mỹ đã đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian hoà giải với người Hồi giáo, cho dù nhà làm phim kia tuyên bố là anh ta không hối hận về việc làm phim, và rằng "người Hồi giáo cần phải biết cư xử và biểu tình một cách hoà bình để thể hiện ý kiến".
Còn khu vực Đông Á, cùng một lúc diễn ra sự tranh chấp lãnh hải giàu tài nguyên, cái này thì rõ như ban ngày, và vị trí địa chính trị, giữa Nga với Nhật, giữa Nhật với Hàn, Nhật với Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kong, giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, giữa Trung Quốc với Philippine.
Nga và Nhật đang tranh chấp quần đảo Kurin, nhưng Nhật lại đang là khách hàng lớn về khí hoá lỏng của Nga.
Nhật và Trung quốc (thêm cả Đài Loan và Hồng Kong vào cho mạnh) đang tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (theo cách gọi của hai bên). Chính phủ Nhật đã chi 26 triệu đô la Mỹ để mua lại 3 trong số các đảo thuộc Senkaku (vốn thuộc sở hữu của một gia đình Nhật). Thế là cuộc xung đột bùng nổ ở mức độ vẫn còn kiềm chế nhưng đã khiến nhiều nhà phân tích bàn đến khả năng chiến tranh Nhật-Trung. Trung quốc điều6 tàu hải giám đến xâm phạm vào lãnh hải (12 hải lý quanh đảo) Senkaku. Quân đội Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ lên đảo. Dân Trung quốc biểu tình chống Nhật, đốt phá các cửa hàng, hàng hoá Nhật. Nhiều nhà máy Nhật trên đất Trung quốc quyết định đóng cửa đến 18 tháng Chín. Thủ tướng Nhật phải yêu cầu chính quyền Trung quốc bảo vệ kiều dân Nhật, nhiều người Nhật tại Trung quốc đã bị hành hung. Cùng lúc đó, đại sứ mới của Nhật tại Trung quốc đã chết đột ngột, nhưng lại chết ngay tại Tokyo nên không biết có liên quan gì đến Trung quốc hay không???
Trung quốc tiếp tục bành trướng ở biển Đông sau khi tuyên bố đơn phương chủ quyền tại vùng biển này. Trong tuần qua, Trung quốc đã lập mạng thông tin trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Trung quốc đã chiếm quần đảo này từ năm 1974). Tình hình đấu tranh của nhân dân Việt Nam không đến mức điên rồ như dân Trung quốc nhưng trong năm 2012 đã diễn ra khoảng gần 10 cuộc biểu tình hoà bình chống xâm lược. Việt Nam đang xúc tiến tăng cường các biện pháp pháp lý và sức mạnh quân sự để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trên mạng Youtube xuất hiện ngày một nhiều các clip về quá trình tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển của các lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Hiện nay, phần lớn các giải quyết tranh chấp và xâm lấn vẫn diễn ra theo kiểu phi quân sự. Trung quốc xua 20 ngàn tàu đánh cá từ đảo Hải Nam tới để xâm phạm vào biển Đông. 

Máy tính sản xuất tại Trung Quốc cài sẵn mã độc.


Một nghiên cứu của Microsoft cho hay, có những máy tính đã được cài sẵn malware ngay từ trong nhà máy. Virus này tên là Nitol, chuyên dùng khai thác tài khoản ngân hàng của người dùng. Loại Virus này được các nhà điều tra tội phạm kỹ thuật số của Microsoft khám phá bằng cách mua 20 máy tính (10 máy để bàn, 10 laptop) từ các thành phố khác nhau của Trung Quốc. Bốn chiếc trong số đó đã nhiễm virus cho dù chúng hoàn toàn mới tinh như khi xuất xưởng.
Microsoft cài đặt và chạy chương trình Operation b70 để điều tra và tìm thấy 4 virus trong các phần mềm giả mạo mà một số nhà sản xuất PC Trung quốc đã cài đặt trong máy tính. Nitol là một trong số các virus nguy hiểm mà các nhà điều tra đã phát hiện ra ngay từ khi mới bật máy tính. Loại virus này cố tiếp cận với các lệnh điều khiển hệ thống để đánh cắp thông tin từ máy bị nhiễm.
Tìm hiểu sâu hơn, loại Nitol này là hệ thống sâu botnet được điều khiển với một web domain có lien quan đến tội phạm máy tính từ 2008. Domain này có 70.000 sub-domain được sử dụng bởi 500 kiểu lừa đảo bằng malware nhắm tới các nạn nhân hoặc đánh cắp dữ liệu.
Luật sư Richard Boscovich của nhóm điều tra Microsoft nói rằng, “Loại malware này có khả năng bật microphone và video camera, nghĩa là có thể xâm nhập bằng nghe nhìn vào nhà và doanh nghiệp của các nạn nhân.”

Hai hãng viễn thong lớn của Trung quốc là Huawei và ZTE đã từ chối lời buộc tội của Mỹ về việc họ đã cài đặt trong các thiết bị viễn thông những mã giúp cho việc do thám. Hai hãng này bị buộc tội đã cài đặt những mã thông tin nhằm chuyển tiếp các dữ liệu nhạy cảm về Trung quốc.
Mối lo ngại về sự liên quan đến chính quyền và quân đội của hai hãng này có thể làm ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng của họ trên đất Mỹ. Họ là hai trong số những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Một uỷ ban của Mỹ đã đặt câu hỏi đối với giám đốc điều hành của hai hãng viễn thông về vai trò của hai hãng trong hoạt động liên quan đến gián điệp. Cụ thể là “có những báo cáo về qui trình beaconing không được mong đợi từ các thiết bị của hai hãng này” (Beaconing là một quá trình cho phép các mạng có thể tự sửa chữa các lỗi).
Tuy nhiên lãnh đạo hãng ZTE từ chối các lời cáo buộc, nói rằng đó chỉ là chức năng bình thường trong các thiết bị, không gây hại. Ông ta cho rằng đó không phải là sâu back door như các nhà luật pháp Mỹ nghi ngờ.
Trong khi đó, hai hãng sản xuất của Trung Quốc cũng đồng ý cung cấp danh sách các thành viên uỷ ban Đảng trong công ty của họ, điều mà trước đó họ đã từ chối.

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Câu chuyện Agra

Đầu thế kỷ 16, các hậu duệ của người Mông Cổ, Ba Tư tiến hành xâm chiếm vùng nam Á, và thiết lập nên triều đại Mughal ở Ấn Độ và họ cai trị nước này kể từ Zahir-ud-Din Babur là vị vua đầu tiên (1526 - 1530) đến khi nước Anh chấm dứt triều đại này vào năm 1862.
Không rõ ở Ấn Độ còn pháo đài nào nữa, nhưng Red Fort ở New Delhi và Agra Fort ở Agra (Uttar Pradest) thì cùng là một phong cách kiến trúc, cùng là nơi trú ngụ của các vua triều đại Mughal.
Trong ảnh là Cổng chính của pháo đài Agra, nơi trú ngụ của các vua triều đại Mughal như Babur, Humayun..

Nhưng từ triều đại Akkbar đại đế, tòa pháo đài này mới được xây dựng để có hình dáng như hiện nay. Nó được 1.444.000 công nhân xây dựng ròng rã trong tám năm và hoàn thành vào năm 1573.
Tòa pháo đài này có kiến trúc mặt bằng hình bán nguyệt nằm sát cạnh sông Yamuna, rộng tới 380.000 m2.

Để đi đến Agra, có khá nhiều cách, nhưng nếu là một sinh viên trọ ở New Delhi, bạn có những cách sau để đi đến nơi. Hoặc bạn mua vé tàu hỏa, hoặc bạn mua vé xe bus, hoặc mua một tour du lịch.
Nếu bạn đi khoảng 4 người, có thể thuê luôn một chuyến xe 4 chỗ với giá trọn gói trong 1 ngày là 4000 rupees, họ sẽ đưa bạn đến Agra, chở bạn đến 2 điểm là Agra Fort và Taj Mahal, sau đó đưa bạn trở lại New Delhi trong ngày.

Nếu không thích, bạn có thể đến bến xe bus Sarai Kale khan ISBT (Interstate bus terminal), New Delhi. Cách này thuận tiện cho bạn nào thích đi du lịch bụi, giá vé xe bus cho mỗi chiều khoảng 180 Rs. Nhưng nhớ cho là dù bạn là sinh viên, bạn vẫn phải trả tiền tham quan theo kiểu người nước ngoài, tức là 750 rs/người để vào tham quan Taj Mahal, 300rs/người tham quan Agra Fort. Trừ phi là người Butan, Afganistan, Nepal, Thái Lan thì bạn được hưởng chế độ như người Ấn.



Nếu bạn thích đi theo tour có thể đến một trong những điểm bán vé tour gần Pháo đài Red Fort ở New Delhi (gần với Kasmirdi Gate, Chadni Chowk). Vé tour cho người Ấn chỉ có 300 Rs cho cả 2 chiều, nhưng (lại nhưng) người nước ngoài thì phải trả 650 Rs. 

Giá vé này là cho cả 2 chiều, sáng đi lúc 6 giờ, lúc về thì không chắc lắm, bạn nên nhớ là giờ Ấn Độ rất cao su, lấy cụ thể là chuyến đi của tôi khi quay về đến Delhi đã là 2 giờ sáng hôm sau. Bạn sẽ được đưa đến 4 điểm là Agra Fort, Taj Mahal, đền thờ Mathura (nơi sinh của thần Krishna trong Ấn Độ giáo) và Vrindavan (cũng thờ Krishna).

Cách cuối cùng mà tôi biết nhưng không làm nổi là mua vé tàu hỏa đi Agra. Để mua vé, cách dễ nhất là bạn nên có thẻ Credit hoặc Online bank, như thế sẽ thuận lợi, còn không thì chỉ có nước ra xếp hàng mà mua ở ga New Delhi. Tôi đã thử xếp hàng 2 hôm mà không mua được vé như ý, vì tôi chỉ muốn đi vào sáng sớm, và về vào buổi tối. Tàu hỏa cũng rất ... lạ, có khi họ bán cho bạn một cái vé chả có giờ giấc gì, chả có tên tàu, rồi bạn cứ việc ra sân ga mà chờ, khi nào có chuyến tàu bạn cần thì đến tìm ông trưởng tàu/trưởng toa ấy mà hỏi, nếu còn chỗ, ông ta sẽ xếp cho bạn lên (cố nhiên là bạn sẽ phải trả thêm một khoản tiền chênh lệch giữa giá vé của cái tàu ấy với số tiền bạn đã trả khi mua vé).

Theo ý tôi, những bất tiện ấy cũng bõ công cho những gì bạn sẽ thấy. Dù nhìn trên ảnh rồi những đến tận nơi, sờ tay vào chất đá mát lạnh và ngạc nhiên khi thấy các hoa văn được khảm bằng đá đỏ vào nền đá trắng mới thấy kính phục tài năng của những người kiến trúc nên các công trình này.

Pháo đài ở Agra với pháo đài Red Fort ở Delhi đúng là hai anh em, bởi nó đều là nơi trú ngụ của các vua Mughal, có thể xưa kia các vua triều đại này vẫn hoài niệm cuộc đời du mục chăng, nên họ thích dời chỗ. Từ New Delhi có thể xuôi dòng sông Yamuna để đến Agra, pháo đài Agra nằm sát ngay bờ sông này.

Công trình thứ hai của Agra, tuy nhiên lại là công trình kiến trúc nổi tiếng hơn là Taj Mahal, cũng nằm sát bờ sông Yamuna, cách Agra Fort chừng 2 km, theo tiếng Urdu, Taj Mahal có nghĩa là "Vương miện của các cung điện". Gọi thế cũng phải, bởi Taj Mahal được UNESCO đánh giá là "viên ngọc của nghệ thuật Hồi giáo tại Ấn Độ và là kiệt tác di sản được ngưỡng mộ trên toàn thế giới". Nó là sự kết hợp đẹp đẽ nhất của kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Taj Mahal là gì? Nó là lăng mộ của hoàng hâu Mumtaz Mahal, người vợ thứ ba của hoàng đế Shah Jahan. Năm 1631, hoàng hậu qua đời sau khi sinh người con thứ 14, một nỗi đau khôn nguôi cho vị hoàng đế và ông quyết định xây cho bà một tòa lăng mộ có một không hai để tưởng nhớ. Taj Mahal được khởi công xây dựng vào năm 1632 và hoàn thành năm 1653. Vật liệu chính để xây dựng là đá cẩm thạch trắng, vận chuyển từ Rajasthan, cách nơi này tới 300 km.




Lan can quây quanh mộ Hoàng đé và Hoàng hậu
Công trình chính của Taj Mahal cao khoảng 55 mét, có mái vòm củ hành, là lăng mộ của hoàng hâu, và về sau khi hoàng đế Shah Jahan chết đi cũng được táng ở đây. Thực ra tổng chiều cao từ mặt đất tới chóp cao nhất là 171 mét. Cái chóp này, tạo hình mặt trăng, biểu tượng của đạo Hồi, nguyên bản là bằng vàng, nhưng đến thế kỷ 19 thì bị thay thế bằng đồng. Nghe đồn rằng trên mái và có những trang trí bằng kim cương và ngoc trai nhưng nay đã bị đánh cắp. Tổng chi phí cho công trình lên đến 320 triệu rupees (không rõ thời giá hiện nay là bao nhiêu nhỉ???) và có lời đồn đại rằng sau khi công trình hoàn thành, nhà vua đã chặt tay thợ điêu khắc và kiến trúc sư để họ không bao giờ còn có thể tạo ra được một kiệt tác nào khác nữa.


Những cái cột này nhìn có vẻ nghiêng, mà đúng là nó hơi nghiêng ra bên ngoài  thực. Để tránh bị động đất làm đổ vào lăng mộ.
Trên cổng lớn của Taj Mahal có dòng chữ, do nhà thư pháp Abd Ul-Haq viết : "O Soul, thou art at rest. Return to the Lord at peace with Him, and He at peace with you." (Tạm dịch là Ôi Linh hồn, ngươi hãy an nghỉ. Quay về nơi bình yên bên thượng đế và Người đêm bình yên cho ngươi). Từng chữ, cao tới 2m khảm bằng cẩm thạch đen vào nền cẩm thạch trắng, 


Giáo đường Hồi giáo trong Taj Mahal.



Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Một tháng và 24 giờ.

Thời gian trôi, ngoảnh lại đã 1 tháng và 24 giờ qua. Có những việc người Ấn mất 3 tuần mới hoàn thành, đó là phát cho các sinh viên quốc tế cái bút nhớ (pendriver, ở nước ta vẫn gọi là USB). Thực ra ai đi cũng thủ cái USB đó theo rồi, nhưng họ hẹn mai sẽ phát, và cái mai của họ còn dài hơn cả thuổng. Nói để sau này còn biết đường mà bình tình ... chờ. Cảm giác mỗi người Ấn có sự điềm đạm bất cần, hay bất chấp thời gian, bao giờ mình đòi hỏi điều gì ở họ là họ lại nhìn trả mình với cái nhìn rất là ... triết gia, chả lộ ra vẻ gì là nóng ruột, cho dù cử chỉ của họ tỏ ra rất sốt sắng. Đừng để vẻ sốt sắng ấy tác động đến mình. Hãy nhìn ở đó những điểm tốt đẹp. Chẳng hạn nạn tắc đường, Ấn Độ tắc đường và những người đi xe máy cũng leo lên vỉa hè để luồn lách chẳng kém gì Việt Nam, và khi họ từ vỉa hè lao xuống, mười người thì có tới 5 quệt phải xe người khác. Có chiếc xe máy nom chỉ đáng chở nước gạo ở Việt Nam va rầm vào ô tô, thế mà họ chỉ xin lỗi qua loa rồi đi tiếp, đến nỗi người Mexico cũng phải buột miệng nói, nếu ở Mexico thì rầy rà to. Đằng này cả bên bị hại cũng chỉ nhìn một cái, lắc đầu bỏ đi.
Ảnh trên là cảnh thường thấy vào buổi trưa. Cả nhà kéo nhau ra nằm phơi nắng.

Thậm chí đang làm họ cũng ngồi phơi nắng như thế, một hành vi được xem là được phép, thậm chí cảnh này kéo dài 2-3 tiếng.
Nhìn ở khía cạnh vĩ mô: Theo tài liệu của WB năm 2010, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ chín thế giới với GDP 1727 tỉ USD, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Braxil, Ý. Và dù người nghèo của Ấn vẫn nghèo một cách thê thảm thì họ cũng được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ người nghèo của chính phủ. Những khu vực nghèo của Ấn có những trạm sữa tươi mà ở đó, người dân có thể mua 1 lít với giá 24 INR (tương đương 11.000 đồng Việt Nam), thêm vài củ hành và miếng chapaty, bột mì tráng mỏng không mỡ, thế là xong bữa.



Các phương tiện vận tải công cộng ở Ấn sử dụng gas lỏng, giá khoảng 36 INR/lít, rẻ bằng nửa xăng, và đó là các phương tiện để người nghèo di chuyển bên cạnh metro. Với những chính sách đó, thậm chí tính theo sức mua tương đương thì năm 2011, GDP của Ấn Độ được xếp hạng thứ 5 trên thế giới (nguồn www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/rankorder/2001rank.html).

Xã hội Ấn vẫn ngấm ngầm giữ phân biệt đẳng cấp, y như thời Brahman bốn ngàn năm trước. Đối với người Ấn, những người lao động chân tay có địa vị cực thấp, cảm giác như họ chỉ là cái máy. Cố nhiên ở thủ đô thì chưa thấy cảnh ngược đãi thân thể gì họ, còn khuất mắt thì không biết thế nào. Nhìn họ khúm na khúm núm trước các nhân sĩ, trí thức thì mới hình dung được thực trạng của dân đen Việt Nam thời phong kiến. Có người kể lại, một người bảo vệ Ấn được nâng lên thành lái xe, ông ta mừng đến nỗi lập tức "nâng cấp" lên đôi giày, nghe cũng đủ thấy thành kiến phân biệt mạnh mẽ đến thế nào.