Trang

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Thuật ngữ lý luận - Lợi ích nhóm.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị TW lần thứ ba (10/10/2011) và Hội nghị TW lần thứ tư, BCH TW Đảng khoá XI, ngày 31/12/2011, Tổng bí thư dùng cụm từ "lợi ích nhóm" để miêu tả nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quy hoạch phát triển và cả những bất lợi trong thực hiện quy hoạch đó.
Bài trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ngày 4/1/2010 đã nhắc đến cải cách thể chế để có những cơ quan chăm lo đến lợi ích lâu dài của dân tộc mà không bị "tác động bởi lợi ích nhóm".
Không rõ từ "lợi ích nhóm" này xuất hiện sớm hơn nữa là từ lúc nào và thực sự thì ai phát minh ra cụm từ này, nhưng tới Hội nghị TW 6 vừa kết thúc, cụm từ này ngập tràn trên các báo chí và diễn đàn chính trị. Tra cứu nhóm từ này trong 0,25 giây cho 1.780.000 kết quả. Hội nghị TW 6 họp tại Hà Nội từ 1 đến 15/10/2012 được chờ đợi sẽ chỉ ra những cái tên cụ thể trong "lợi ích nhóm".
Về mặt phương hướng mà nói thì cách đặt vấn đề có vẻ đúng là phải xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách ... tức là toàn bộ những thứ mà đòi hỏi tính lâu dài cần phải tránh được tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm. Khốn một nỗi, để quay trở lại nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì các chiến lược, chính là thể hiện ý chí, mong muốn đạt tới một kết quả nào đó trong tương lai, lại phụ thuộc vào cơ sở vật chất đang nuôi dưỡng chính người lập ra kế hoạch chiến lược đó. Nói khác đi thì  anh được hưởng lợi gì thì anh sẽ viết kế hoạch theo hướng đó. Tách rời lợi ích của nhóm lập chiến lược ra hỏi xu hướng chiến lược ấy thực là một cách đặt vấn đề siêu hình, chính là duy ý chí, và mong muốn có một cơ chế để chăm lo đến lợi ích lâu dài mà không bị tác động bởi lợi ích nhóm là một việc làm không tưởng.
Cách tiếp cận đúng đắn phải là thẳng thắn thừa nhận có những lợi ích cục bộ, ít nhất cũng vì lý do địa chính trị. Ta thử hình dung, nếu người làm chính sách nào đó, ông X. chẳng hạn là người miền biển, lẽ cố nhiên ông ta hiểu biết về biển đảo nhiều hơn ông Y. là người dân miền núi, nước phải cõng từng gùi từ dưới khe lên tưới cho ruộng bậc thang. Không thể yêu cầu ông X. quan tâm đến vấn đề trồng trọt được khi mà lợi nhuận của người dân vùng ông ta đến chủ yếu từ khai thác thuỷ sản, cũng như không thể đợi ông Y có ý tưởng xây một hải cảng trên miền núi non trùng điệp của ông ta. Như vậy ta có thể hiểu là ông X viết chiến lược sẽ theo hướng mở ra biển, ông Y viết chiến lược sẽ theo hướng khai thác lâm sản. Suy cho rộng ra thì ai cũng có tư tưởng "vì mình" cả thôi, ngay cả các nước văn minh cũng thế cơ mà, mỗi vị đại diện cho một đảng chính trị có cương lĩnh tranh cử khác nhau và họ cũng chỉ hoạt động cho mục tiêu ấy thôi. Huống chi nước ta còn đang phát triển, chưa biết sẽ phát triển đi theo hướng nào, vì nhiệm kỳ mỗi lần 4-5 năm nên ông miền biển thôi làm thì ông miền núi cũng viết chiến lược theo ý ông ta. Sự khác nhau là ở nước ta, không nói đến từ giai cấp, tức là không thừa nhận bất cứ sự khác nhau nào trong quan hệ sản xuất và sở hữu tư liệu sản xuất, mặc dù nói đến từ 'lợi ích nhóm" thì cũng chả khác nào nói có những tầng lớp khác nhau về sở hữu. Về mặt lý luận như thế là bị mâu thuẫn với chính mình.
Tuy nhiên nếu vẫn không để mất Đảng, mất chế độ, bằng cách chỉ thừa nhận có nhóm lợi ích khác nhau trong Đảng, thì cái cần ở đây không phải là nói chung chung phải có một cơ chế để lợi ích lâu dài không bị lợi ích nhóm tác động, mà phải đặt vấn đề theo cách làm thế nào để xây dựng một cơ chế để lợi ích nhóm nằm trong lợi ích lâu dài chứ không mâu thuẫn thậm chí phá hoại lợi ích lâu dài.