Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Tài năng

Tô Hiến Thành (蘇憲誠, 1102-1179), quê làng Hạ Mỗ nay là xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng thành phố Hà Nội, là quan đại thần phụ chính nhà Lý, phụng sự hai triều vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý.
Năm 1175 , vua Anh Tông băng hà, có di chiếu đặt hoàng tử Lý Long Trát mới có 1 tuổi lên ngôi , ủy thác cho Hiến Thành làm Phụ Chính đại thần phò vua mới .Thái hậu Chiêu Linh tính chuyện phế lập , lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, nên đã đem một mâm vàng tới đút lót cho vợ của ông là Lữ Thị để nhờ bà này thuyết phục chồng không theo di chiếu , lập con mình là Long Xưởng lên ngôi thay cho Long Trát (Long Xưởng là trưởng tử của Vua Anh Tông, bị truất phế vì tội dâm loàn). Tô Hiến Thành biết được, nói rằng :
-         Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ để lo giúp đỡ vua còn bé , nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở dưới suối vàng.
Thái hậu lại gọi Tô Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng:
-         Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh”

Thái uý Tô Hiến Thành ốm nặng. Tham tri chính sự Vũ Tán Đường vốn là người trong bè cánh của thái hậu được cử đến ngày đêm chăm sóc thuốc thang cho ông rất là chu đáo. Trong lúc đó, gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì quá bận việc triều chính, không lúc nào rảnh rỗi đến thăm hỏi ông được.
Lúc Tô Hiến Thành đã lâm bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm và nhân hỏi ông:
– Nếu thái uý có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?
Tô Hiến Thành đáp:
– Trung Tá có thể thay được!
Thái hậu tỏ vẻ thắc mắc hỏi để nhắc:
– Thế Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?
Tô Hiến Thành đáp:
– Vì bệ hạ hỏi người nào thay thần nên thần mới nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?

Những chuyện này đã chép trong chính sử nước Đại Việt.
Tuy nhiên, chép là một chuyện, đọc lại là việc khác, mà đọc xong, hiểu được lại là khó hơn một nấc, hiểu được mà chịu làm theo thì hỡi ơi, ít lắm.
Bởi vì, làm theo, có mà "cạp đất để sống à"
Con người sinh ra, thường cũng ẩn một số tài năng đặc biệt nào đó, và vào những thời điểm phù hợp, giống như nấm gặp được mưa, tài năng phát lộ vô cùng.
Như Thái úy Tô Hiến Thành, suốt đời có nhiều sự tích, dần dần tôi sẽ kể, nhưng ấn tượng nhất chính là câu chuyện như trên, được ghi vào sử sách.
Đồng thời, quan nịnh thần Vũ Tán Đường kia, cũng được vào sử cùng, nhưng với một thứ tài năng ghê tởm khác là NỊNH.
Đàn ông Đại Việt, cũng giống như vô số đàn ông châu Á, đầy chất gia trưởng, ngồi nhà thì chồm chỗm trên sập, quát hét vợ con ghê lắm, coi đàn bà không đáng một đồng. Thế nhưng trước mặt người đàn bà ở ngoài, mang danh thái hậu, thì vẫn chính anh đàn ông nọ, lại bò lê bò la, hót véo von như con sáo sậu để tâng bốc bà ấy. Ấy thế, xét về bản chất thì bà thái hậu kia, ở tầng lớp của bà ấy, so với ông chồng vua thì bà ta cũng chả đáng một đồng.
Chứ không à, vua có tam cung lục viện, bà hậu kia, may ra một năm mới được ngủ với chồng một lần ấy chứ.
Nhưng để ngoi lên, có được tài như Thái úy Tô Hiến Thành chắc khó lắm, còn Vũ Tán Đường thì dễ hơn nhiều.