Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Một tháng và 24 giờ.

Thời gian trôi, ngoảnh lại đã 1 tháng và 24 giờ qua. Có những việc người Ấn mất 3 tuần mới hoàn thành, đó là phát cho các sinh viên quốc tế cái bút nhớ (pendriver, ở nước ta vẫn gọi là USB). Thực ra ai đi cũng thủ cái USB đó theo rồi, nhưng họ hẹn mai sẽ phát, và cái mai của họ còn dài hơn cả thuổng. Nói để sau này còn biết đường mà bình tình ... chờ. Cảm giác mỗi người Ấn có sự điềm đạm bất cần, hay bất chấp thời gian, bao giờ mình đòi hỏi điều gì ở họ là họ lại nhìn trả mình với cái nhìn rất là ... triết gia, chả lộ ra vẻ gì là nóng ruột, cho dù cử chỉ của họ tỏ ra rất sốt sắng. Đừng để vẻ sốt sắng ấy tác động đến mình. Hãy nhìn ở đó những điểm tốt đẹp. Chẳng hạn nạn tắc đường, Ấn Độ tắc đường và những người đi xe máy cũng leo lên vỉa hè để luồn lách chẳng kém gì Việt Nam, và khi họ từ vỉa hè lao xuống, mười người thì có tới 5 quệt phải xe người khác. Có chiếc xe máy nom chỉ đáng chở nước gạo ở Việt Nam va rầm vào ô tô, thế mà họ chỉ xin lỗi qua loa rồi đi tiếp, đến nỗi người Mexico cũng phải buột miệng nói, nếu ở Mexico thì rầy rà to. Đằng này cả bên bị hại cũng chỉ nhìn một cái, lắc đầu bỏ đi.
Ảnh trên là cảnh thường thấy vào buổi trưa. Cả nhà kéo nhau ra nằm phơi nắng.

Thậm chí đang làm họ cũng ngồi phơi nắng như thế, một hành vi được xem là được phép, thậm chí cảnh này kéo dài 2-3 tiếng.
Nhìn ở khía cạnh vĩ mô: Theo tài liệu của WB năm 2010, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ chín thế giới với GDP 1727 tỉ USD, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Braxil, Ý. Và dù người nghèo của Ấn vẫn nghèo một cách thê thảm thì họ cũng được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ người nghèo của chính phủ. Những khu vực nghèo của Ấn có những trạm sữa tươi mà ở đó, người dân có thể mua 1 lít với giá 24 INR (tương đương 11.000 đồng Việt Nam), thêm vài củ hành và miếng chapaty, bột mì tráng mỏng không mỡ, thế là xong bữa.



Các phương tiện vận tải công cộng ở Ấn sử dụng gas lỏng, giá khoảng 36 INR/lít, rẻ bằng nửa xăng, và đó là các phương tiện để người nghèo di chuyển bên cạnh metro. Với những chính sách đó, thậm chí tính theo sức mua tương đương thì năm 2011, GDP của Ấn Độ được xếp hạng thứ 5 trên thế giới (nguồn www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/rankorder/2001rank.html).

Xã hội Ấn vẫn ngấm ngầm giữ phân biệt đẳng cấp, y như thời Brahman bốn ngàn năm trước. Đối với người Ấn, những người lao động chân tay có địa vị cực thấp, cảm giác như họ chỉ là cái máy. Cố nhiên ở thủ đô thì chưa thấy cảnh ngược đãi thân thể gì họ, còn khuất mắt thì không biết thế nào. Nhìn họ khúm na khúm núm trước các nhân sĩ, trí thức thì mới hình dung được thực trạng của dân đen Việt Nam thời phong kiến. Có người kể lại, một người bảo vệ Ấn được nâng lên thành lái xe, ông ta mừng đến nỗi lập tức "nâng cấp" lên đôi giày, nghe cũng đủ thấy thành kiến phân biệt mạnh mẽ đến thế nào.