Trang

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

Thay đổi lãnh đạo Bộ Y tế

Sáng 14/10/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công  Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Uỷ viên Ban cán sự Đảng Chính phủ, kiêm giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Y tế và giao tân Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của Bộ này.

Như vậy Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là người phụ trách và điều hành công việc chung của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế - tổ chức thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với Bộ này theo quy định trong Đảng. Ông Đam được đề nghị "cần tập trung vào công tác cán bộ, đảm bảo sự đoàn kết trong toàn ngành để phát triển toàn diện các mặt công tác; đồng thời làm tốt công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, lãng phí".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không còn giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ này, song theo quy định pháp luật, bà chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công đến khi Quốc hội có quyết định khác. Ba tháng trước, Bộ Chính trị quyết định bổ nhiệm bà Tiến làm Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương thay ông Nguyễn Quốc Triệu.

Ông Vũ Đức Đam (56 tuổi, quê Hải Dương) là tiến sĩ kinh tế, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), khóa XI, XII. Ông được bổ nhiệm Phó thủ tướng (trẻ nhất lúc bấy giờ) từ tháng 11/2013, có nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực Giáo dục đào tạo, Khoa học công nghệ, Lao động, việc làm, Y tế, Thông tin và truyền thông, Văn hóa, du lịch, thể dục, thể thao...

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (60 tuổi, quê Hà Tĩnh) có chuyên môn Phó giáo sư, tiến sĩ Y khoa; ủy viên Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), khóa XI; là Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Y tế từ năm 2011. 

Bà Tiến không trúng cử Trung ương khoá XII và là nữ Bộ trưởng duy nhất trong Chính phủ hiện nay.


Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá XII) chiều 12/10

Hơn 70 cán bộ cao cấp bị kỷ luật

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá XII) chiều 12/10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay (tháng 1/2016), các cấp có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý.
Trong đó có một Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII; 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, một nguyên Phó thủ tướng , 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 tướng lĩnh.  Một số cán bộ cấp cao đã bị xử lý hình sự.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng (Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải; Ban Thường vụ Đảng uỷ Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc).
Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (từ trái qua) bị Hội nghị Trung ương 11 khai trừ Đảng. Ảnh: Bộ Công an
Ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (từ trái qua) bị Hội nghị Trung ương 11 khai trừ Đảng. Ảnh: Bộ Công an
"Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Cho rằng đây là "bài học sâu sắc, đắt giá", ông đề nghị từng Uỷ viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện; thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.
Trong quá trình chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ "phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất!".
"Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật đều phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân", ông nói.
Tại hội nghị lần này, Trung ương đã bầu bổ sung 4 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Trương Minh Tuấn - Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (khoá XII) khai mạc ngày 7/10, thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng gồm: Dự thảo báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII.
Bên cạnh đó, Trung ương cũng cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Về tiêu chuẩn phải cao trên 1,5 m mới được thi sư phạm và suy nghĩ về tính bình đẳng hay bình quân.

Về tiêu chuẩn phải cao trên 1,5 m mới được thi sư phạm và suy nghĩ về tính bình đẳng hay bình quân.


Dân ta đang xốn xang về một tiêu chuẩn mà lẽ ra, với các ngành khác chả ai phản đối, vậy mà ngành sư phạm lại trở thành mục tiêu cho mọi mũi tên bắn vào.

Theo thông tin từ ĐH Sư phạm TP.HCM, với các ngành đào tạo giáo viên, thí sinh nam phải cao 1,55 m trở lên, trong khi chiều cao tối thiểu dành cho nữ là 1,5 m.
Riêng ngành Giáo dục Thể chất, thí sinh nam cao 1,65 m, nặng 50 kg trở lên, thí sinh nữ cao 1,55 m, nặng 45 kg trở lên.

Giá mà tiêu chuẩn này ở các ngành ngân hàng, hàng không, v.vv thì chắc chả có ai kêu la đâu, nhưng vì sao ngành sư phạm lại bị phản đối vậy?

Xin trích tiêu chuẩn trở thành tiếp viên hàng không: 
Tiêu chuẩn về ngoại hình
Điều kiện đầu tiên để trở thành tiếp viên hàng không là bạn phải đạt tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, có khuôn mặt ưa nhìn,giọng nói nhẹ nhàng, không có dị tật, hình săm, sẹo hay những đặc điểm không phù hợp với ngành dịch vụ.
Đối với nam : chiều cao từ 1m65 – 1m82, độ tuổi từ 18 – 30 tuổi, có cân nặng phù hợp với chiều cao.
Đối với nữ : chiều cao từ 1m58 – 1m75, độ tuổi từ 18 – 28 tuổi, có cân nặng phù hợp với chiều cao.
(Nguồn: https://vietjet.net/ban-tin-hang-khong/dieu-kien-lam-tiep-vien-hang-khong.html)
Hình như chẳng có cuộc phản đối nào vì tiêu chuẩn ngoại hình, kiểu như "bắt buộc chiều cao phải trên 1,65m đã dập tắt ước mơ trở thành tiếp viên hàng không" như người ta đang than thở trên mạng về tiêu chuẩn chiều cao của trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.Nào là "Không biết chiều cao có ảnh hưởng gì về năng lực giảng dạy hay không mà đưa ra tiêu chuẩn oái ăm thế, thật sự rất lãng phí nhân tài", nào là "Tranh cãi gay gắt về quy định chiều cao thí sinh thi vào ngành sư phạm", nào là "ngành sư phạm cần người có tâm, yêu nghề chứ không phải chọn hình thức, người có chiều cao, rằng nhiều nhà khoa học giáo dục có tài có học lực cao nhưng lại có chiều cao thấp".

Nhìn rộng ra, nếu lấy trí tuệ làm thước đo hàng đầu, thay cho mọi tiêu chuẩn thì ngành nào cũng có thể nói như thế được, đặc biệt là trong nền kinh tế 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Và chẳng có ai phàn nàn nếu như đòi tuyển dụng nhân lực hàng không phải cao trên 1,65m hay là tuyển người mẫu phải cao trên 1,7m. Hình như mọi người mặc định là những ngành nghề phải giao tiếp với công chúng nghiễm nhiên phải có ngoại hình tốt (còn không thắc mắc xem họ có cần đến não không???!!!). Ấy thế mà chính những nghề như vậy lại đòi hỏi trí tuệ không ít đâu. Có phải ai cao trên 1,7m cũng làm người mẫu ăn khách đâu, họ phải vận dụng bao nhiêu neutron thần kinh, bao nhiêu trí tuệ cảm xúc mới thành công, số còn lại thì chỉ là con mannequin biết ăn cơm mà thôi. Tiếp viên hàng không phải tập luyện, có phản xạ nhanh nhạy để phục vụ trong một môi trường khá áp lực, đảm bảo an toàn cho chuyến bay và hành khách, dễ thường họ không cần đến não chắc. Cố nhiên không cần đến thứ não chuyên toán, chuyên văn, chuyên gì gì đó của trường phổ thông.

Vậy tại sao tiêu chuẩn sư phạm lại bị phản đối dữ vậy???

Thứ nhất: là do quan niệm "thầy khóa" ăn sâu vào đầu óc người Việt, chỉ cần học giỏi, khỏi cần lao động chân tay. 

Quan niệm này khiến cho người Việt luôn hình dung tách biệt hai phần: trí tuệ và thể chất. Cho nên "thầy khóa" của ngày xưa luôn được mô tả là "dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm", và thầy khóa phải mảnh khảnh, đã nói thư sinh là phải mảnh khảnh, chả có thư sinh nào lại cơ bắp cuồn cuộn cả.
(Ảnh một thầy khóa với bộ móng tay dài)

Mà trong xã hội chia thành bốn tầng lớp "Sĩ, nông, công, thương" luôn đề cao người đọc sách, ai ai cũng mong một ngày mình vươn tới đỉnh cao xã hội bằng cách thi cử (chỉ môn Văn thôi) nên ai ai cũng mong muốn mình trông như thư sinh, chả ai muốn như lực điền cả. 
Thậm chí người Việt mình khá là kỳ thị mấy tầng lớp dưới qua hình ảnh/hình dung: vai u thịt bắp (chỉ tầng lớp nông, công) hoặc là béo phệ (chỉ tầng lớp thương nghiệp).
Trong hệ thống công quyền thì có câu "Văn quan tứ phẩm đã sang, Võ quan tứ phẩm còn mang gươm hầu" (ý nói là cùng phẩm hàm, quan văn tứ phẩm đã làm đến đường quan, tức là quan cai trị, kiểu như quan đầu phủ/trấn, còn quan văn tứ phẩm vẫn chỉ như hộ vệ, theo hầu).
Chính quan niệm như vậy đã khiến cho trong thời Nguyễn, các quan chỉ huy quân đội toàn là quan văn, chữ tốt văn hay nhưng cầm quân đánh trận thì tùy theo ông nào có thiên bẩm quân sự thôi, còn thì sức trói gà không chặt làm sao chống nổi, rút cuộc nước ta rơi vào tay thực dân Pháp).

Thứ hai: quan niệm nghề nhà giáo không phải là quan hệ công chúng, chỉ là truyền đạt kiến thức chứ không phải là trình diễn. Vì thế, ngoại hình thế nào cũng được.

Thực ra, ngày nay, kiến thức là thứ được chia sẻ vô biên, chỉ cần có một máy tính/smart phone/tablet và có kết nối internet là muốn kiến thức gì cũng có. Vì thế quan niệm về người thầy cũng khác đi.
William Arthur Ward (1921 – 1994) là nhà giáo dục người Mỹ, tác giả cuốn Fountains of Faith (Suối nguồn Niềm tin) đã nói rằng:
"Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng".
(Nguyên văn: “The mediocre teacher tells. The good teacher explains. The superior teacher demonstrates. The great teacher inspires.”)
Quan điểm về giáo dục của chính nước ta cũng khác xưa, khi người thầy được xem là chân lý, lời thầy không bao giờ sai. Bây giờ, giáo dục là toàn diện, phải đào tạo ra con người có đủ "TRÍ - ĐỨC - THỂ - MỸ".
Thế nên người thầy không chỉ truyền đạt bằng kiến thức nữa, mà phải là tấm gương cho học sinh soi vào. Thử hỏi giáo viên nói ngọng có luyện được phát âm đúng cho học sinh không? Thử hỏi giáo viên đứng trên bục giảng truyền đạt cho học sinh về cái chân, cái thiện, cái mỹ mà bản thân lại văng ra đủ các lời lẽ không hợp chuẩn thì liệu bao nhiêu cái hay, cái đẹp ấy sẽ được hấp thụ? Nếu bảo giáo viên chỉ cần đam mê, khát vọng mà đứng trên bục giảng với bộ trang phục nhếch nhác thì sẽ gây ra cảm hứng gì cho học sinh???
Tôi không phủ nhận có những người giáo viên "Không đạt chuẩn" về ngoại hình nhưng vẫn được xem như nhà giáo kiệt xuất (Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng không phải nhà giáo cao lớn gì). Cũng nhiều thiên tài kiệt xuất vóc người nhỏ  nhắn. Thậm chí những thiên tài truyền cảm hứng cho bao thế hệ như Steve Jobs cũng mắc chứng khó đọc (Dyslexia). Nhưng thử hỏi bao nhiêu người  có được những phẩm chất như họ? Thiên tài đâu có phổ biến mà đòi hạ chuẩn phổ biến.
Đến nay người Việt Nam nói chung hay chất lượng dân số Việt Nam vẫn còn ở mức trung bình (Chỉ số phát triển con người xếp hạng 116 trên thế giới) có thể nói liên quan nhiều đến quan niệm giáo dục lệch. Học sinh chỉ được khuyến khích học kiến thức (suông) chứ ĐỨC - THỂ - MỸ vẫn còn rất manh nha. Học sinh học đến cận thị (Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2013, cả nước ta có gần 3 triệu trẻ em ở độ tuổi 0-15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính. Trong đó, số trẻ em bị cận thị lên đến mức đáng báo động khi chiếm tới 2/3 tỷ lệ và chủ yếu tập trung ở khu đô thị với tỷ lệ là 30 - 35%), đến vẹo cột sống (Theo nghiên cứu thống kê, tại Việt Nam tật cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ từ 15- 25% các bệnh học đường thường gặp phải ở trẻ em).
Để các thế hệ tương lai khỏe mạnh, có biết bao điều cần làm, nhưng chí ít, hàng ngày các học sinh lên lớp cũng được giao tiếp với người thầy/cô ngoại hình đẹp đẽ cũng là tấm gương cho cho các cháu bắt chước.

Thứ ba: quan niệm "Chuột chạy cùng sao, rơi vào sư phạm".

Như trên đã phân tích, các nghề hàng không, người mẫu hay thậm chí nếu các ngân hàng, hay một ngành nghề khác đòi có chiều cao tối thiểu là bao nhiêu thì cũng ít bị xã hội than oán. Vậy sao nghề sư phạm lại bị kêu. Vì các nghề kia được có thu nhập cao, vậy tiêu chuẩn cao là phải rồi. Còn nghề giáo thu nhập thấp, địa vị xã hội tưởng là cao nhưng hóa ra khá thấp (cô giáo phải ngủ với cấp trên để được lên lớp (https://dantri.com.vn/xa-hoi/nu-giao-vien-to-bi-pho-hieu-truong-uy-hiep-bang-clip-nong-20170823150214551.htm), cô giáo phải đi hầu rượu cho cấp trên (https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ngay-20-11-ha-tinh-giai-thich-chuyen-dieu-giao-vien-tiep-ruou-cho-khach-339320.html) cho nghề giáo viên không phải được coi trọng. 
Điểm chuẩn cho ngành sư phạm hai năm gần đây được đẩy lên, chứ trước kia thì "Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, nông lâm đuổi ra, sư phạm cút thẳng" cho thấy tiêu chuẩn vào sư phạm thấp đến thế nào (https://news.zing.vn/nghich-ly-dao-tao-su-pham-diem-chuan-thap-hay-cao-van-vang-thi-sinh-post869313.html).
Xã hội đã mặc định chuẩn sư phạm là thấp rồi, nên nếu có đề ra tiêu chuẩn này nọ mới tuyển vào sư phạm cố nhiên là làm ảnh hưởng đến biết bao người.
Hơn nữa, toàn xã hội mặc định những ngành nghề có thu nhập cao thì đòi hỏi tiêu chuẩn cao, ngành nghề thu nhập thấp thì đòi hỏi tiêu chuẩn cao làm gì (dù tiêu chuẩn cao trên 1,5 m chả có gì là nhiều, còn thấp hơn chiều cao trung bình, như Giáo sư Lê Danh Tuyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2000, chiều cao nam thanh niên 162,3 cm và nữ là 152,4 cm. Đến năm 2010, kết quả điều tra cho thấy chiều cao đạt được của nam là 164,4 cm và nữ 153,4 cm).
Vậy phải chăng quan niệm xã hội đang cho rằng chuẩn sư phạm không cần đòi hỏi nhiều.

Thứ tư: Quan niệm về bình quân, không phải bình đẳng.

Thói quen cào bằng, chủ nghĩa bình quân đang tồn tại trong tâm lý người Việt hiện nay khiến cho nền giáo dục phổ thông nước ta dạy đủ thứ: tự nhiên, xã hội, toán học, triết học cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 (vào đại học lại học 2 năm đại cương cũng có đủ mọi thứ như thế). Và đã là phổ cập thì mọi học sinh đều phải học đủ mọi môn, phải toàn diện (về phương diện kiến thức mà thôi, chưa có thể chất, lại càng không có tâm hồn).
Mỗi người có một tài năng riêng, không phải ai cũng tài năng giống nhau. Nghiên cứu về trí tuệ con người cho biết có tới tám loại trí thông minh. Năm 1983, tiến sĩ Howard Gardner – một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard - đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Frames of Mind” (tạm dịch “Cơ cấu của trí tuệ”), trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences ).


1. Trí thông minh logic- toán học: Đây là vùng phải làm với logic, trừu tượng, quy nạp, lập luận suy diễn, và những con số. Trong khi người ta thường cho rằng những người có trí thông minh này thường nổi trội trongnhững môn như: toán học, cờ vua, lập trình máy tính và các hoạt động trừu tượng hoặc những con số, nơi khả năng toán học ít hơn khả năng suy luận. Đây cũng là vùng nhận dạng mẫu trừu tượng, tư duy khoa học và điều tra, và khả năng để thực hiện các tính toán phức tạp.

2. Trí thông minh không gian: Đây là vùng phải làm việc với những tầm nhìn và phán đoán không gian. Những người có trí thông minh thị giác-không gian mạnh mẽ thường rất giỏi trong việc hình dung và tinh thần với đối tượng thao tác. Họ có một trí nhớ thị giác mạnh mẽ và thường có khuynh hướng nghệ thuật. Những người có trí thông minh thị giác-không gian cũng thường có một cảm giác rất tốt về phương hướng, ngoài ra họ cũng có thể có sự phối hợp tay và mắt rất tốt, mặc dù điều này thường được xem như là một đặc trưng của vận động cơ thể.

3. Trí thông minh vận động:  Đây là vùng dành cho những chuyển động cơ thể. Trong vùng này, con người thường thành thạo trong việc hoạt động thể chất như thể thao hay khiêu vũ và thường thích các hoạt động phong trào. Họ có thể thưởng thức diễn xuất hay biểu diễn, và nói chung họ rất giỏi trong việc xây dựng và làm mọi thứ. Họ thường học tốt nhất khi thể chất làm một cái gì đó, chứ không phải đọc hoặc nghe về nó. Những người có trí thông minh vận động cơ thể, mạnh mẽ dường như sử dụng những gì có thể được gọi là bộ nhớ cơ bắp; tức là, họ nhớ những điều thông qua cơ thể của họ, chứ không phải bằng lời nói (bộ nhớ bằng lời nói) hoặc hình ảnh (bộ nhớ trực quan). Những vận động đòi hỏi các kỹ năng và sự khéo léo, độ dẻo dai, cũng như cần thiết cho khiêu vũ, thể thao, phẫu thuật, làm thủ công, vv... Nghề nghiệp mà phù hợp với những người có trí thông minh này bao gồm các vận động viên, vũ công, diễn viên, diễn viên hài, nhà xây dựng, và thợ thủ công

4.Trí thông minh tương tác giao tiếp: Đây là khu vực phải làm việc với sự tương tác giữa người với người. Những người trong nhóm này thường hướng ngoại và có đặc điểm là luôn nhạy cảm với những tâm trạng, cảm xúc, tính khí, động cơ của người khác, và họ có khả năng hợp tác, làm việc với người khác như một phần của nhóm. Họ giao tiếp tốt và dễ dàng đồng cảm với người khác, và họ có thể là những người lãnh đạo hoặc những người đi theo. Họ thường học tốt nhất bằng cách làm việc với người khác và thường thích thú với các cuộc thảo luận và tranh luận

5.Trí thông minh nội tâm: Đây là vùng phải làm việc hướng nội và phản chiếu năng lực của chính chủ thể.  Những người có trí tuệ mạnh về điều này thường là người hướng nội và thích làm việc một mình. Họ có ý thức tự giác cao và có khả năng hiểu được cảm xúc, mục tiêu và động cơ của bản thân. Họ thường ham thích theo đuổi những tư tưởng cơ bản cũng như triết học vậy. Họ học tốt nhất khi được phép tập trung vào chủ đề của mình. Thường họ có một sự cầu toàn cao khi gắn với trí tuệ này

6. Trí thông minh thiên nhiên:  Bao gồm cả việc hiểu biết về thế giới tự nhiên như động thực vật, chú ý những đặc điểm của từng loài và phân loại chúng. Nói chung, nó bao gồm cả việc quan sát sâu sắc về môi trường tự nhiên xung quanh và có khả năng để phân loại những thứ khác nhau tốt. Nó có thể thực hiện bằng cách khám phá thiên nhiên, làm cho bộ sưu tập cho các loài,  nghiên cứu chúng, và nhóm chúng lại với nhau. Có kỹ năng sắc bén về cảm giác - tầm nhìn, âm thanh, mùi, vị và xúc giác. Quan sát một cách sắc bén về sự thay đổi của tự nhiên và các mối liên hệ giữa các mẫu.

7. Trí thông minh ngôn ngữ:

Trí thông minh bằng lời nói và ngôn ngữ thể hiện bằng những từ ngữ, cách nói hoặc viết. Họ thường giỏi đọc, viết, kể chuyện, và ghi nhớ từ và ngày tháng. Họ có xu hướng học tốt nhất bằng cách đọc, ghi chú, lắng nghe bài giảng, và qua thảo luận và tranh luận. Họ cũng thường xuyên xử dụng kỹ năng giải thích, giảng dạy và các bài diễn văn hay nói có sức thuyết phục. Những người có trí thông minh bằng lời nói-ngôn ngữ học ngoại ngữ một cách dễ dàng vì họ có trí nhớ từ cao và thu hồi và khả năng hiểu và vận dụng cú pháp và cấu trúc ..

8. Trí thông minh âm nhạc: Đây là vùng trí tuệ phải làm với các giai điệu, âm nhạc và thính giác.  Những người có trình độ cao về âm nhạc thường rất nhạy với âm thanh, nhịp điệu, và âm vực. Họ thường có khả năng rất tốt và thậm chí tuyệt đối về ca hát, chơi nhạc cụ và sáng tác nhạc. Khi có một thành phần trí tuệ âm nhạc này, những người mạnh nhất có thể học tốt nhất thông qua bài giảng. Ngoài ra, họ thường sử dụng bài hát hoặc giai điệu để học hỏi và ghi nhớ thông tin, và có thể thực hiện tốt nhất những màn biểu diễn âm nhạc.

Lý thuyết của Gardner đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh trên, tuy nhiên, sẽ có kiểu thông minh trội hơn trong mỗi người. Bên cạnh đó, Gardner đã chỉ ra rằng trong trường học thông thường chỉ đánh giá một học sinh thông qua 2 loại trí thông minh là trí thông minh về ngôn ngữ và trí thông minh về logic/toán học, và điều này là không chính xác. Trường học đã bỏ rơi các em có thiên hướng học tập thông qua âm nhạc, vận động, thị giác, giao tiếp…đồng thời lèo lái tất cả mọi học sinh đi theo cùng một con đường và cùng chịu chung một sự đánh giá và phán xét. Nhiều học sinh đã có thể học tập tốt hơn nếu chúng được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh của chúng.
Quan niệm về giáo dục nên hướng về sự bình đẳng chứ không nên hướng về sự bình quân. Bình đằng về giáo dục ở đây là tạo điều kiện để ai ai cũng được giáo dục đúng với thiên hướng của mình chứ không phải giáo dục rập khuôn cho mọi người như nhau.
Để định hướng đúng đắn cho nền giáo dục, thì không có nghĩa là loại bỏ những người thấp dưới 1,5m khỏi ngành sư phạm. (Khi tôi đang viết những dòng này, có người đã chỉ trích rằng, quy định tuyển người vào sư phạm hóa ra chỉ cần chân dài thôi, thật là một sự quy chụp vô căn cứ. Để thi vào trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, chắc chắn phải có thi).
Cũng không phải không có ngoại lệ, những người chiều cao không đủ 1,5 m nhưng có khát vọng, có tài năng sư phạm, vẫn có thể có cơ hội đứng trên bục giảng. Tuy vậy, không có nghĩa là phải hạ chuẩn xuống để cho mọi người thấp hơn 1,5 m đều được vào sư phạm (nói như lý thuyết Garner ở trên, chắc gì họ có thiên hướng sư phạm).

Đề kết thúc, xin nhắc lại câu nói của Nelson Mandela "Giáo dục là thứ vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới". Vì vậy không có lý gì mà ta lại hạ chuẩn nền giáo dục, vũ khí mạnh nhất của chính mình, bằng cách hạ chuẩn các cỗ máy cái của vũ khí ấy.