Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2016

Đối thoại Shangri-La 2016 và trò đâm sau lưng của Trung Quốc

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La (SLD) là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi một tổ chức cố vấn độc lập - Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng, các Bộ trưởng thường trực và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn được đặt theo tên của khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi nó đã được tổ chức từ năm 2002.

Đối thoại Shangri-La cũng là nơi tập hợp các lãnh đạo quân sự từ một số quốc gia hùng mạnh nhất thế giới để thảo luận về các vấn đề quốc phòng, an ninh cấp bách, quan trọng.
Nhiều cuộc gặp song phương cũng được tổ chức bên lề cuộc đối thoại.
Nhiều chuyên gia khoa học, các nhà báo, các đại biểu doanh nghiệp, các nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới cũng tham dự hội nghị. Do vậy, nó có ảnh hưởng đối với việc phát triển các chính sách quốc phòng và an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Năm 2016 các nước sau đã cử đoàn tham dự SLD :Việt Nam, Australia, Bahrain, Bangladesh, Brunei, Campuchia, Canada, Chile, Trung Quốc, Colombia, Liên minh châu Âu, Phần Lan, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mexico, Mông Cổ, Myanmar, New Zealand, Na Uy, Pakistan , Papua New Guinea, Philippines, Hàn Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Singapore, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thái Lan, Timor-Leste, Tonga, United Arab Emirates, Anh, Mỹ.
Chương trình nghị sự Đối thoại Shangri-La 2016 có gì?
Các chủ đề chính: chương trình hạt nhân của Triều Tiên, các tranh chấp ở Biển Đông, các vấn đề di cư, an ninh mạng, chống khủng bố và cạnh tranh quân sự.
Chương trình ngày 3/6:
Các Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức sẽ có một loạt các cuộc gặp song phương.
Thủ tướng Thái Lan phát biểu khai mạc vào tối ngày 3/6.
Chương trình ngày 4/6:
Buổi sáng bàn về: “Những thách thức an ninh phức tạp của châu Á”, “quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á” và “Cách thức lập chính sách quốc phòng trong thời kỳ bất ổn”.
Buổi chiều bàn về: “Các mối đe dọa từ Triều Tiên”, “Phát triển khả quân sự: công nghệ mới, ngân sách hạn chế và những lựa chọn khó khăn”, “Những thách thức an ninh của tình trạng di cư bất hợp pháp”.
Ngoài ra còn các chủ đề khác như: “Tăng cường hợp tác chống khủng bố ở châu Á”, “Quản lý căng thẳng Biển Đông” và “Xác định lợi ích an ninh mạng chung”.
Chương trình ngày 5/6:
Bàn về “Những thách thức trong việc giải quyết xung đột” và “Theo đuổi các mục tiêu an ninh mạng chung”.

Trung Quốc diễn trò gì trong SLD 2016?

Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (SLD 15), diễn ra từ ngày 3 đến 5-6 tại Singapore, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận, Hải quân nước này sẽ tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 do Mỹ tổ chức, dự kiến bắt đầu từ ngày 30-6 đến 4-8 ở Hawaii. Cùng với đó, Bắc Kinh đã lớn tiếng cáo buộc các định nghĩa mà Philippines sử dụng trong vụ kiện Biển Đông.
Chiều 3-6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết trong cuộc họp song phương, phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam đừng nêu vấn đề biển Đông tại diễn đàn.
Tuy nhiên ngay sau khi kết thúc họp song phương, đoàn Trung Quốc lập tức phát tờ rơi cho các đại biểu nhằm tuyên truyền những luận điệu sai trái của nước này về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.
Tờ rơi gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, có nội dung hoàn toàn khác nhau. Trong khi tờ rơi tiếng Anh cung cấp thông tin về quá trình phát triển quân đội của Trung Quốc thì bản tiếng Hoa cung cấp thông tin hoàn toàn xuyên tạc sự thật cho rằng toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc.
Nội dung tờ rơi viết: Các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, và quần đảo Nam Sa (là Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.
Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa”.
Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế:
“Theo luật pháp quốc tế, tranh chấp chủ quyền có những đặc tính mang tính loại trừ. Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa từ xa xưa đã được thiết lập, bất kỳ nước nào khác cũng không thể yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nếu không sẽ đi ngược lại nghĩa vụ của mình đối với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác”.
Ngoài ra, theo nội dung tờ rơi, Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan.
Bắc Kinh còn cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong tranh cãi này.
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc hôm 3.6 được cho là đã gặp riêng những quan chức an ninh từ 8 quốc gia trước Đối thoại Shangri-La.

Phản ứng của Trưởng đoàn Việt Nam

Khi được hỏi về tập tài liệu mà Trung Quốc phát tán bên lề đối thoại Shangri-La ngày 3-6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông chưa kịp nghiên cứu tập tài liệu này và chưa rõ nội dung cụ thể ra sao.
Tuy nhiên ông Vịnh cho rằng: “Tôi không biết ai là người phát tán tập tài liệu này. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không phát tán tài liệu đó vì đây là một diễn đàn mở, minh bạch, thế giới đều lắng nghe. Có việc gì thì lên diễn đàn nói, đừng nên phát tờ rơi như thế này”.